Bộ Công Thương triển khai kết quả Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2018
Theo Quyết định số 2049 /QĐ-BCT, ngày 12/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Công Thương, đặc biệt là hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tập trung bám sát những nội dung nhiệm vụ được giao, chủ động và tích cực triển khai thực hiện với nỗ lực cao nhất để phấn đấu hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Chính phủ giao cho ngành Công Thương năm 2018 và các năm tiếp theo với mục tiêu tổng quát là: "Tăng trưởng kim ngạch Xuất nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển”.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ ưu tiên tập trung trao đổi, tìm kiếm các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững nhóm hàng nông sản, hải sản, hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp của Việt Nam đang có thế mạnh và khai thác hiệu quả các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang tham gia, nhất là các FTA được ký kết trong thời gian qua và chuẩn bị phê chuẩn trong thời gian tới như EVFTA, CPTPP,...
Nghiên cứu, đề xuất biện pháp, nội dung hợp tác cụ thể để làm sâu sắc hơn, thiết thực hơn quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với các đối tác chiến lược, các đối tác lớn, bạn hàng truyền thống, qua đó tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ quốc tế.
Theo Chương trình hành động này, Vụ Thị trường nước ngoài sẽ chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài triển khai hiệu quả các biện pháp cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp và nghiên cứu chính sách, đề xuất kịp thời các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu và xúc tiến thương mại. Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ để nắm bắt, nghiên cứu về cơ chế, chính sách nước sở tại và địa bàn công tác; các yếu tố ảnh hưởng đến công tác hội nhập, phát triển thị trường, hợp tác chuyển giao công nghệ, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp nhất là công nghiệp hỗ trợ, khai thác nguồn lực, phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại, các vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, chiến lược phát triển ngành, tái cơ cấu phục vụ tăng trưởng của Việt Nam.
Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, các Vụ Thị trường ngoài nước bám sát diễn biến thị trường, đề xuất các biện pháp để thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Từ nay đến năm 2020, bảo đảm cân đối xuất nhập khẩu, phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 10%, kiểm soát nhập siêu dưới 3% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thông qua hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hoạt động phát triển thương hiệu cho sản phẩm và doanh nghiệp xuất khẩu thông qua chương trình Thương hiệu quốc gia nhằm quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và nhiều tiềm năng; lựa chọn và tập trung xây dựng thương hiệu cho một số ngành chủ lực như dệt may, thủy sản, nông sản,...
Các Vụ Thị trường ngoài nước, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với cơ quan chức năng của các Bộ ngành và doanh nghiệp tổ chức đoàn đưa doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như; triển khai Đề án xuất khẩu gạo sang khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á trong khuôn khổ Đề án chiến lược xuất khẩu gạo bền vững của Bộ Công Thương; thực hiện Đề án xuất khẩu rau, quả sang khu vực Trung Đông; Đề án đưa hàng Việt Nam trực tiếp vào hệ thống phân phối, hệ thống siêu thị một số nước trong khu vực; Tổ chức các đoàn doanh nghiệp các nước vào Việt Nam tham gia các hội chợ, gặp gỡ đối tác, trực tiếp ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu.
Đối với các khu vực hội nhập, cần nghiên cứu thấu đáo, theo dõi sát tình hình của nước sở tại trong thực thi các cam kết hội nhập, trong khuôn khổ hợp tác đa phương, song phương, đặc biệt là các đối tác như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, ASEAN, Lào, Campuchia...
Thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN; tích cực chuẩn bị cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới. Tập trung nghiên cứu các vấn đề mới của việc tham gia các FTA thế hệ mới, xu hướng tác động trong các khung khổ hợp tác khu vực và toàn cầu như ASEAN, APEC, ASEM, WTO, tác động tình hình kinh tế chính trị thế giới tới tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Ưu tiên tìm kiếm và mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, thu hút các nguồn vốn. Đẩy mạnh vận động các nước công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.
Để triển khai có hiệu quả Chương trình hành động, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ, gửi Vụ Tổ chức cán bộ để tổng hợp, báo cáo. Vụ Tổ chức cán bộ là đầu mối, chủ trì, theo dõi, kiểm tra và tổng hợp việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án, chương trình hành động; định kỳ hàng năm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động; theo dõi và tổng hợp kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao.