Trong năm 2014, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xử lý tổng số trên 1000 khiếu nại từ người tiêu dùng, tăng gấp 4,6 lần so với năm 2013 (215 khiếu nại).
Khiếu nại liên quan viễn thông chiếm tỷ lệ cao nhất
Cục Quản lý canh tranh, Bộ Công Thương vừa cho biết, năm 2014 là năm ghi nhận nhiều sự kiện quan trọng trong công tác tiếp nhận, tư vấn và xử lý yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng tại Cục Quản lý cạnh tranh (Cục QLCT) – Bộ Công Thương xét trên nhiều khía cạnh. Trong năm 2014, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xử lý tổng số trên 1000 khiếu nại từ người tiêu dùng, tăng gấp 4,6 lần so với năm 2013 (215 khiếu nại).
Trong 4 tháng đầu năm ghi nhận số lượng khiếu nại ở mức rất cao: trung bình mỗi tháng tiếp nhận hơn 100 khiếu nại, cá biệt có tháng 2 tiếp nhận gần 200 khiếu nại. Lý do chủ yếu là trong các tháng đầu năm 2014, Cục QLCT đã tiếp nhận và xử lý hàng loạt vụ khiếu nại trong lĩnh viễn thông trong đó có những vụ việc khiếu nại liên quan đến một số lượng lớn người tiêu dùng hoặc có những vụ việc có giá trị tranh chấp lớn lên đến hàng chục tỷ đồng.
Các tháng tiếp theo duy trì mức xấp xỉ 50 khiếu nại. Đến tháng 12, số lượng khiếu nại tăng vọt đến mức 159. Đây là thời điểm Cục QLCT bắt đầu bổ sung thêm số điện thoại miễn phí 1800.6838 cho Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng bên cạnh số điện thoại cũ (04.3938 7846). Đây là số điện thoại toàn quốc và hoàn toàn miễn phí cước cho người gọi đến. Sự chuyển đổi này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác tiếp nhận, tư vấn và giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng tại Cục QLCT với tinh thần hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho người tiêu dùng thực hiện các quyền cơ bản của mình.
Số liệu các vụ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Cục QLCT trong năm 2014 cho thấy trong các phương thức trên, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng là kênh tiếp nhận nhiều khiếu nại nhiều nhất với tổng số cuộc gọi đến lên tới 899, chiếm tỷ lệ 89,9% tổng số khiếu nại. Sau đó là trang tin bảo vệ người tiêu dùng với số lượng 77 khiếu nại, chiếm tỷ lệ 7,7%. Khiếu nại được gửi qua đường bưu điện chiếm tỷ lệ 2,1% với số lượng 22 khiếu nại, và khiếu nại trực tiếp chỉ chiếm 0,3% tổng số khiếu nại.
Nỗ lực của Cục QLCT trong việc đẩy mạnh công tác tiếp nhận và xử lý khiếu nại của người tiêu dùng.
Năm 2014 ghi nhận tình hình khiếu nại rất đa dạng về các ngành hàng, trong đó, các khiếu nại liên quan đến điện thoại, viễn thông, truyền hình chiếm tỷ lệ cao nhất là 50.02%. Con số này vừa phản ánh số lượng vụ việc vi phạm liên quan nhưng đồng thời cũng phần nào phản ánh sự phát triển sôi động và phức tạp của lĩnh vực này. Nhóm thứ hai là với số lượng từ 3.6 cho đến 8,13% là các lĩnh vực như: Bất động sản, nhà ở, máy tính, mạng internet, hàng hóa tiêu dùng hàng ngày, thiết bị điện tử gia dụng, dịch vụ và phương tiện vận tải, làm đẹp, sức khỏe, dịch vụ tài chính, ngân hàng và bảo hiểm. Nhóm thứ 3 là các lĩnh vực có số lượng khiếu nại từ 0,8 đến 2,1%, bao gồm: nội ngoại thất, thời trang, trang sức, năng lượng, môi trường, giáo dục, giải trí.
Nhìn chung, năm 2014 đã ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của Cục QLCT trong việc đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn, tiếp nhận và xử lý khiếu nại của người tiêu dùng. Sự nỗ lực, cố gắng này không chỉ thể hiện qua số lượng vụ việc được giải quyết tăng mạnh so với các năm trước mà còn thể hiện qua sự đa dạng, phong phú của các lĩnh vực hoặc loại hàng hóa, dịch vụ mà Cục đã tham gia xử lý.
Trong những ngày cuối năm 2014, Cục QLCT đã có những sự chuẩn bị để tạo cơ sở cho việc phát huy hơn nữa công tác này trong năm 2015 như: đưa vào vận hành số điện thoại miễn phí 1800.6838, nâng cấp trang tin bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sắp xếp, bố trí nhân sự cho các công việc có liên quan, tăng cường và xây dựng các công cụ kết nối với các Sở Công Thương và các Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng địa phương…Với những sự chuẩn bị đã được thực hiện và những nỗ lực, cố gắng trong thời gian tới, hy vọng rằng trong năm 2015, công tác hướng dẫn, tư vấn, tiếp nhận và xử lý các khiếu nại, yêu cầu tại Cục QLCT sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, qua đó góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững cho cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.