Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì khi cử tri kiến nghị giữ nguyên học phí đại học?
Trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cử tri /chu-de/tinh-an-giang.topic đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét không tăng học phí bậc đại học để giảm bớt khó khăn cho các gia đình có điều kiện kinh tế hạn chế, qua đó tạo cơ hội để sinh viên yên tâm học tập.
Trả lời nội dung kiến nghị trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết Chính phủ ban hành nghị định 81/2021 quy định về mức học phí của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và nhằm kiểm soát lạm phát, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165 năm 2022 yêu cầu các trường đại học giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022. Do đó, mức học phí của các cơ sở giáo dục công lập giữ ổn định, không tăng trong 3 năm học liên tiếp (năm học 2020 - 2021 đến năm học 2022 - 2023).
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Chinhphu.vn |
“Mức học phí này rất thấp, mới chỉ đảm bảo từ 40 - 50% chi phí đào tạo, phần còn lại ngân sách Nhà nước vẫn phải hỗ trợ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo bộ, trong bối cảnh học phí không tăng nhưng hằng năm ngân sách nhà nước đều cắt giảm 2,5% chi thường xuyên, đã gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học. Nếu học phí tiếp tục giữ ổn định và tiếp tục cắt giảm chi thường xuyên thì nhiều cơ sở giáo dục không đủ kinh phí hoạt động, đặc biệt không thực hiện được lộ trình tính giá dịch vụ theo quy định ở nghị quyết 19.
Vì vậy, theo bộ, từ năm học 2023 - 2024 Chính phủ ban hành Nghị định 97/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 81/2021 quy định mức học phí các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện theo mức trần học phí năm học 2023 - 2024 quy định tại Nghị định 97/2023 (lùi lộ trình học phí 1 năm so với quy định tại nghị định 81/2021).
Bộ nêu rõ thời gian tới sẽ phối hợp với các cơ quan tổng hợp ý kiến trong quá trình thực hiện để đề xuất, sửa đổi nghị định 81/2021 quy định lộ trình học phí phù hợp, đảm bảo thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực xã hội và thực hiện an sinh xã hội.
Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức xét tốt nghiệp cho học sinh THPT trên toàn quốc thay cho hình thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Luật Giáo dục quy định, khi học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định sẽ dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Còn những học sinh học hết chương trình THPT mà không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông”.
Cũng theo Bộ trưởng, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục, được xã hội quan tâm. Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết liên quan về công tác thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn đưa ra phương án thi bảo đảm gọn nhẹ, giảm áp lực và không gây tốn kém cho xã hội.