Bộ Nội vụ nói gì khi Pháp luân công tác động xấu tới an ninh chính trị?
Trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ Nội vụ nhận được ý kiến của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp như sau: ''Kiến nghị Bộ Nội vụ cần có quy định xử lý đối với những người tham gia các hoạt động tập luyện Pháp luân công, hiện đang diễn biến phức tạp, tác động xấu tới tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở nhiều địa phương''.
Tài liệu truyền bá Pháp luân công lực lượng công an thu giữ được. Ảnh: Bộ Công an |
Về vấn đề này, Bội Nội vụ thông tin rằng trước những sự việc có tính phức tạp của Pháp luân công, Bộ Nội vụ cùng các bộ, ngành liên quan đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác đối với Pháp luân công. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã triển khai, phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo công tác ngăn chặn không để Pháp luân công hình thành tổ chức trái pháp luật, xử lý có hiệu quả một số vụ việc phức tạp do một số nhóm người tập Pháp luân công gây ra.
Tuy nhiên, công tác phối hợp ở một số địa phương chưa chặt chẽ, có lúc, có nơi nhận thức chưa rõ ràng, chưa thống nhất về quan điểm, xử lý những vụ việc phức tạp thiếu kiên quyết, đồng bộ dẫn đến hiệu quả chưa cao, nhất là đấu tranh với các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các đối tượng lợi dụng Pháp luân công.
Pháp luân công không hội tụ đủ điều kiện là tôn giáo, bản thân những người luyện tập Pháp luân công cũng không nhận mình là tôn giáo và chưa bao giờ đề cập đến việc đề nghị công nhận về tổ chức. Bên cạnh đó, giải quyết vấn đề phức tạp về Pháp luân công liên quan đến nhiều bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông,...
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tăng cường quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và quản lý công chức, viên chức, không để tham gia các hoạt động phức tạp liên quan đến Pháp luân công.
Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan thực hiện tốt sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thống nhất nhận thức và phương thức xử lý, trong đó tập trung một số nhiệm vụ:
Một là, tăng cường chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở địa phương, định hướng và tuyên truyền cho chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo, người đại diện các cơ sở tín ngưỡng và nhân dân nhìn nhận đúng bản chất của Pháp luân công để phê phán với việc lợi dụng các yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo, không tham gia những hoạt động phức tạp liên quan đến Pháp luân công.
Hai là, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên giữa các bộ, ngành chức năng và địa phương để thống nhất công tác đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, không tin, theo kẻ xấu kích động, lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật.
Ba là, đối với những đối tượng lợi dụng Pháp luân công để tụ tập, tuyên truyền xuyên tạc chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự xã hội thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.