Hành vi đăng tải nội dung sai sự thật
Tháng 4/2024, trên mạng xã hội tràn lan những clip với nội dung người dân ra biển truy tìm kho báu mà bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã cất giấu.
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử |
Liên quan đến việc cộng đồng mạng xã hội “dậy sóng” với trào lưu truy tìm 673 nghìn tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan ngoài biển, chiều 13/5, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, Cục đã kiểm tra và nhận thấy hiện tượng đu trend là cắt ghép những phát ngôn của bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa xét xử.
Theo ông Lê Quang Tự Do, bà Trương Mỹ Lan không hề có câu “tiền để ở ngoài biển” như các video clip làm ra. Đây là người dùng ghép những từ và lấy lại để ghép thành nội dung khác và mang tính chất hài hước, vui vẻ, chưa phải nội dung lừa đảo hay có những ý đồ xấu.
“Tuy nhiên, đây cũng là hành vi đăng tải nội dung sai sự thật” - ông Do nói và cho biết trend này chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn chỉ khoảng chưa đầy một tuần.
Những người “đu trend” chế những ảnh liên quan đến nội dung này như một người cầm một cục vàng ở ngoài biển cùng với nhiều người khác… vẫn là theo những ý tưởng hài hước, chưa có dấu hiệu lợi dụng trend này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc có những hành vi vi phạm khác.
Ông Lê Quang Tự Do cũng cho biết thêm, vì có quá nhiều clip nên không thể gỡ, chặn gỡ hết được trên không gian mạng. “Chúng tôi cũng phối hợp với một vài cơ quan chức năng để truy tìm clip gốc nhưng không truy tìm được. Vì trend lan truyền rất rộng” - ông Lê Quang Tự Do thông tin.
Đối với việc xử lý, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã chặn gỡ một số tài khoản clip có lượng người dùng theo dõi và đăng tải có nhiều lượt xem. Thêm nữa, cũng nhanh chóng thông tin trên báo chí để người dân biết được không nên đưa thông tin sai sự thật hoặc cắt ghép những nội dung, phát biểu của người khác trong phiên tòa làm những nội dung khác, có thể là với mục đích giải trí, nhưng đó cũng là một hành vi vi phạm pháp luật.
KOL, KOC đều bị xử lý khi có phát ngôn gây sốc
Về vấn đề xử lý triệt để tình trạng người nổi tiếng xử dụng mạng xã hội phát ngôn gây sốc, ông Lê Quang Tự Do hiện nay tất cả hành vi của công dân, trong đó bao gồm nghệ sĩ, người nổi tiếng đã đều có quy định của pháp luật cũng như các chế tài kèm theo.
Trong những năm gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường, chủ động xử lý đối với những trường hợp phát ngôn lệch chuẩn, gây sốc trên mạng.
“Rất nhiều nghệ sĩ, các KOL, KOC… đều bị xử lý khi có phát ngôn lệch chuẩn, gây sốc. Tuy nhiên, đối với một bộ phận người dân ở đây là những người có ảnh hưởng đến công chúng thì việc xử lý bằng xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe” - ông Do nói.
Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có những chế tài xử lý khác, đề xuất theo hướng hạn chế xuất hiện hình ảnh của những nghệ sĩ này. Ông Do cho rằng, đây là vấn đề do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang rất mong đợi quy chế xử lý này.
Còn đối với những hành vi khác với những người nổi tiếng khác, mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ dự thảo thay thế Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Trong đó có bổ sung, cập nhật nhiều quy định mới để xử lý người dân, tổ chức, doanh nghiệp có đăng tải nội dung sai sự thật trên không gian mạng. “Chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ ban hành Nghị định này trong tháng 7/2024” - ông Lê Quang Tự Do nêu.