Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 23/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu giải trình, làm rõ về Luật Hóa chất (sửa đổi) |
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia góp ý rất thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau phiên thảo luận ở Tổ ngày 8/11, chúng tôi đã nhận được 54 lượt ý kiến góp ý. Qua tổng hợp, đa số đại biểu Quốc hội đã tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) bởi đây được xem là một ngành công nghiệp có tính nền tảng cho mọi quốc gia, mọi nền kinh tế; xung quanh con người bây giờ ở đâu cũng có hóa chất, hóa chất hội tụ phục vụ và bủa vây, vì thế rất cần phải ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi). Các đại biểu cũng đã đánh giá cao về sự chuẩn bị về hồ sơ dự án Luật.
Theo Bộ trưởng, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo đã quán triệt tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiện nay là: “Xây dựng pháp luật theo hướng kiến tạo vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất”, “Dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”; “Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài”.
Đồng thời, cơ quan soạn thảo đã thực hiện nhất quán quan điểm của Chính phủ trình Quốc hội là: Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng tối đa công nghệ thông tin nhằm giảm bớt nguồn lực quản lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; không làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Được sự thống nhất, đồng hành của cơ quan chủ trì thẩm tra, Bộ Công Thương đã có Báo cáo tiếp thu, giải trình gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Tại phiên thảo luận đã có 12 lượt ý kiến tiếp tục góp ý vào dự thảo Luật, để làm rõ thêm một số vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội gợi ý và nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề cập đến 7 nhóm vấn đề.
Một là, về tên gọi và phạm vi điều chỉnh, áp dụng pháp luật, cơ quan soạn thảo cho rằng tên gọi Luật Hóa chất (sửa đổi) là phù hợp, kế thừa, phát triển Luật Hóa chất hiện hành và bao quát đầy đủ nội dung 4 chính sách dự thảo Luật cũng như phù hợp với Nghị quyết số 41/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, làm rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng pháp luật, bảo đảm bao hàm đầy đủ nội dung, và quán triệt chủ trương của Đảng, phù hợp thông lệ quốc tế không phát sinh những mâu thuẫn chồng chéo, xung đột với các luật khác có liên quan.
Hai là, về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất. Các chính sách trong lĩnh vực hóa chất tại dự thảo Luật đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển công nghiệp hóa chất (nêu tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII; Kết luận số 36-KL/TW và Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng).
"Tiếp thu ý kiến của đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu bổ sung, làm rõ các giải pháp để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào dự thảo Luật này và các luật khác có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp |
Ba là, về phát triển công nghiệp hóa chất: Để thể chế đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng (trong đó có công nghiệp hóa chất), cần thiết phải xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ và khả thi để thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa chất, bởi vì hóa chất ngày càng khẳng định vai trò vô cùng quan trọng với mọi nền kinh tế, góp phần hướng tới nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Theo đó, dự thảo Luật giữ nguyên các hình thức ưu đãi đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư, chỉ điều chỉnh quy định về đối tượng được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm và giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong điều hành và phù hợp với thực tiễn hoạt động đầu tư trong lĩnh vực hóa chất.
“Tiếp thu ý kiến của đại biểu, trong thời gian tới, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, làm rõ về mối quan hệ giữa Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất với hệ thống Quy hoạch quốc gia; làm rõ đối tượng và chính sách ưu đãi đầu tư chính sách huy động các nguồn lực xã hội, nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước quan tâm đầu tư vào lĩnh vực quan trọng này” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Bốn là, về quản lý hoạt động hóa chất, nhất là hóa chất độc hại, cần kiểm soát đặc biệt. Để tăng cường quản lý hóa chất độc hại, kiểm soát rủi ro mất an toàn, an ninh từ hóa chất, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, cơ quan soạn thảo đã đề xuất sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) một số quy định.
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định quản lý hóa chất trong toàn bộ vòng đời, từ khi hóa chất được tạo ra hoặc đưa vào lãnh thổ Việt Nam, đến khi lưu thông, sử dụng và xử lý; theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định quản lý các hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hóa chất với mức độ chặt chẽ khác nhau, nhằm bảo đảm phù hợp với từng danh mục hóa chất, an toàn trong sản xuất, sử dụng hóa chất, bảo đảm an toàn cho môi trường.
Thứ hai, bổ sung biện pháp tiền kiểm đối với hoạt động nhập khẩu hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, thay vì việc doanh nghiệp chỉ cần thực hiện khai báo hóa chất tự động như hiện nay, đồng thời, đề xuất tăng chế tài xử phạt các vi phạm để nâng cao mức răn đe.
Thứ ba, bổ sung quy định về áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc kiểm soát hoạt động mua, bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt nhằm giám sát toàn bộ đường đi của hóa chất từ nhà sản xuất, nhập khẩu đến người sử dụng cuối cùng.
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung quy định tăng cường phân cấp quản lý cho địa phương, cho các bộ, ngành trong việc: Quản lý đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ tồn trữ, vận chuyển hóa chất cần kiểm soát đặc biệt nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh, tránh thất thoát hóa chất hoặc sử dụng không đúng mục đích; thẩm định kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, nhất là sự cố cháy nổ như nhiều đại biểu quan tâm.
Thứ năm, bổ sung quy định tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất cần kiểm soát đặc biệt phải đăng ký mục đích, nhu cầu sử dụng hóa chất trên cơ sở dữ liệu nhằm thiết lập hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác hậu kiểm nhằm hạn chế tới mức thấp nhất việc hóa chất bị sử dụng sai mục đích.
Thứ sáu, vì là độc hại cho nên cần quy định rất cụ thể về sản xuất, tồn trữ hóa chất độc hại phải xa khu dân cư và có cơ chế kiểm soát đặc biệt đối với loại hóa chất này trong quá trình sử dụng cũng như lưu thông.
Như vậy, so với Luật Hóa chất hiện hành, Luật Hóa chất (sửa đổi) đã đồng bộ hoá với các quy định để siết chặt, tăng cường quản lý hoạt động hóa chất trong toàn bộ vòng đời, đặc biệt là đối với hóa chất cần kiểm soát đặc biệt; tăng cường phân cấp, phân quyền, chia sẻ cơ sở dữ liệu để nâng cao hiệu quả quản lý ở Trung ương và địa phương.
Thời gian tới, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý các lĩnh vực sử dụng hóa chất tiếp tục nghiên cứu, đánh giá rủi ro có thể phát sinh từ khâu sử dụng và đánh giá chi tiết tác động chính sách để đề xuất các giải pháp, quy định quản lý các loại hóa chất độc hại, hóa chất đặc biệt nguy hiểm, bảo đảm chặt chẽ và hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
Năm là, về vấn đề hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa và an toàn hóa chất, Bộ trưởng nêu rõ, ý kiến của các đại biểu về nội dung này chủ yếu tập trung đánh giá sự phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực thi của doanh nghiệp, cũng như phù hợp với năng lực thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước sau khi Luật được ban hành. Các vấn đề này đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng dự thảo Luật và sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo để trình các đại biểu Quốc hội.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các nội dung nêu trên, nhất là vấn đề chia sẻ dữ liệu để làm tốt công tác quản lý và báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới.
Sáu là, về quản lý nhà nước về hóa chất, theo Bộ trưởng, với tính đa dụng, hóa chất có thể được sử dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, do đó một loại hóa chất có thể có nhiều Bộ, ngành cùng quản lý tùy theo mục đích sử dụng. Áp dụng triệt để nguyên tắc tăng cường phân cấp, phân quyền, dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm quản lý của từng Bộ, ngành, địa phương và đơn vị chức năng.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính linh hoạt trong điều hành và tính ổn định, lâu dài của Luật, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu theo hướng chỉ đưa vào Luật những điều khoản, quy định thuộc thẩm quyền của Quốc hội; những nội dung chi tiết sẽ giao Chính phủ quy định; đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá quy định trách nhiệm quản lý rõ ràng của các cơ quan quản lý trong sản xuất, vận chuyển, tồn trữ hóa chất và tiếp tục rà soát, đánh giá nguồn lực của các cơ quan quản lý nhà nước tại Trung ương và địa phương để bảo đảm việc phân cấp và thực hiện quyền phân cấp một cách hiệu quả.
Bảy là, về thủ tục hành chính (TTHC), điều khoản chuyển tiếp, Bộ trưởng nêu rõ, dự thảo Luật quy định 12 nhóm TTHC, trong đó phát sinh 4 nhóm TTHC mới, nhưng đồng thời bãi bỏ 9 nhóm TTHC hiện hành. Như vậy, số TTHC trong lĩnh vực hóa chất sẽ giảm đi 5 nhóm so với quy định hiện nay. Các TTHC tại dự thảo Luật được nghiên cứu, xây dựng theo hướng tuân thủ triệt để nguyên tắc tăng cường phân cấp, phân quyền, đồng thời, đơn giản hóa quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
Về nội dung chuyển tiếp, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu theo hướng bảo đảm các đối tượng bị tác động không bị ảnh hưởng tiêu cực, vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền, nghĩa vụ với cơ quan quản lý nhà nước và trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh, quyền, nghĩa vụ của các đối tượng bị tác động sẽ được bảo đảm theo quy định của Luật hiện hành. Trường hợp có vướng mắc phát sinh trong quá trình chuyển tiếp thì đề nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể.
Các ý kiến khác của đại biểu, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo luật. "Sau phiên thảo luận hôm nay, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục cùng cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tới" - Bộ trưởng nói.