Toàn cảnh buổi làm việc |
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong 9 tháng đầu năm 2016, kinh tế - xã hội của Hòa Bình vẫn giữ đà tăng trưởng. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 6,92%; trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,15%; công nghiệp - xây dựng tăng 9,8%; dịch vụ tăng 6,24%. Công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội được chú trọng; tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh là 24,38%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 11,76% (theo chuẩn nghèo đa chiều). Quốc phòng – an ninh được giữ vững.
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 7.100 cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Trong đó có 382 doanh nghiệp và khoảng 6.718 cơ sở sản xuất cá thể, thu hút trên 28 nghìn lao động. Toàn ngành Công Thương đóng góp khoảng trên 65% tổng GRDP của tỉnh, trong đó, công nghiệp chiếm khoảng 46,3%, dịch vụ chiếm 18,7%.
Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2016 ước đạt 17.950 tỷ đồng tăng 15,04% so với cùng kỳ, thực hiện 78,56% kế hoạch năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 9,45% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm chủ yếu: Sản lượng điện sản xuất tăng 9,23%; điện thương phẩm tăng 24,42%; sản phẩm may mặc tăng 15,92%; sản phẩm gạch xây dựng tăng 27%; sản phẩm xi măng tăng 26,75%. Công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp được tăng cường, theo đó trong 9 tháng đầu năm 2016, đã hoàn thành 08 đề án với tổng kinh phí được hỗ trợ là 2.080 triệu đồng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu |
Bí thư tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh phát biểu |
Tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Tỉnh – Bí thư tỉnh Hòa Bình, cũng đã đề nghị Bộ Công Thương nhiều nội dung quan trọng như hướng dẫn về công tác cán bộ của Chi cục Quản lý thị trường; đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ xem xét sửa đổi một số văn bản pháp lý liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; quy định về lập thẩm định và phê duyệt thiết kế mỏ, dự án đầu tư xây dựng mỏ khoáng sản rắn; quản lý an toàn đập...
Trong lĩnh vực công nghiệp, UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Bộ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm triển khai đầu tư dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Hòa Bình; thực hiện hoàn trả vốn đầu tư đối với các công trình thuộc Dự án Năng lượng nông thôn II đã bàn giao cho ngành điện quản lý; bổ sung các dự án thủy địa nhỏ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vào Quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc...; Tiếp tục hỗ trợ đầu tư hạ tầng công nghiệp đối với tỉnh miền núi Hòa Bình để giúp nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cũng như hỗ trợ kêu gọi các Tập đoàn thuộc Bộ cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Trong lĩnh vực thương mại, đề nghị Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bổ sung danh mục đầu tư trung hạn giai đoạn 2015-2020 đối với một số dự án hạ tầng thương mại; hỗ trợ kinh phí thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa... năm 2017 và các mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp; thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tặng ảnh lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Hòa Bình |
Sau khi nghe Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và lãnh đạo các đơn vị chức năng, Tập đoàn/Tổng công ty thuộc Bộ trả lời các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Hòa Bình về các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, thương mại, đầu tư... Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng dù còn nhiều khó khăn, nhưng Hòa Bình cũng có nhiều lợi thế để có thể thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đánh giá cao tinh thần chủ động cùng các ý kiến đề xuất cụ thể của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và hoàn toàn đồng tình, ủng hộ quan điểm đẩy mạnh phát triển kinh tế, sản xuất công nông nghiệp dựa trên lợi thế tiềm năng của tỉnh. Đối với những đề xuất lớn, có ảnh hưởng đến an sinh xã hội, Bộ sẽ tiếp thu, tổng hợp để cùng với tỉnh báo cáo Chính phủ, Quốc hội.
Trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng đã yêu cầu các đơn vị liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình cần chủ động phối hợp với các Bộ ngành liên quan nghiên cứu, hỗ trợ Hòa Bình giải quyết những khó khăn; xây dựng kế hoạch, đưa ra các giải pháp, lựa chọn những sản phẩm thế mạnh để kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả, bền vững.