Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: “Trở thành người đại biểu của nhân dân là vinh dự gắn với trách nhiệm lớn lao"”
Tin hoạt động 18/05/2016 19:12
BỘ TRƯỞNG TRẦN TUẤN ANH:
Tôi rất vui vì có cơ hội trở về và gần gũi với hơn nơi “chôn nhau cắt rốn”, được lắng nghe và tìm hiểu kỹ hơn những thay đổi tại quê hương mình. Tôi cũng xác định rằng, trở thành người đại biểu của nhân dân là vinh dự gắn với trách nhiệm lớn lao.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời các câu hỏi của cử tri Quảng Ngãi |
Nếu được người dân đặt niềm tin, chọn là người đại biểu của nhân dân với cương vị là Bộ trưởng Bộ Công Thương, tôi sẽ dành 9 ưu tiên chính của Ngành Công Thương để cùng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XII. Đó là: 1- Nhanh chóng cụ thể hóa và thực hiện những nhiệm vụ được phân công trong Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện các Nghị quyết của Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ 12, đặt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng cụ thể hóa bằng các FTA; 2- Rà soát, sửa đổi, bổi sung, hoàn thiện các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, thể chế hóa các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế giúp doanh nghiệp tận dụng triệt để những lợi ích các FTA mang lại, song song kết hợp công tác tuyên truyền, phổ biến những thông tin mới về hội nhập để doanh nghiệp chủ động làm chủ được thị trường trong nước và tìm cơ hội vươn ra cạnh tranh tại “sân chơi chung”. 3- Đẩy mạnh đồng bộ các biện pháp thu hút đầu tư hiện đại hóa kết cấu hạ tầng thương mại và hỗ trợ sản xuất kinh doanh kết nối hiệu quả sản xuất với thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nội địa; 4- Thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước đối với ngành Công Thương, liên tục cải cách hành chính giúp doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí và tăng năng suất lao động; 5- Chú trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với một số ngành trọng điểm, kêu gọi những dự án đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ mang tính chất bền vững, nhằm giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của các cụm ngành; tiếp tục thực hiện nghiêm túc, thực chất và hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương trong từng lĩnh vực để góp phần đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp trong thời gian sớm nhất; 6- Tiếp tục kiên trì hoàn thiện khung pháp lý, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển và vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường như phát điện, bán buôn điện, xăng dầu... bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, nhằm tạo động lực cho phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại phù hợp với cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới; 7- Bảo vệ hiệu quả sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu bằng những công cụ phòng vệ thương mại của WTO, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trước những rào cản thương mại và phi thương mại của nước nhập khẩu; 8- Nâng cao chất lượng của công tác cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, sức khỏe người tiêu dùng; 9- Thực hiện hiệu quả công tác thông tin, truyền thông nhằm tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác của doanh nghiệp, người dân và xã hội trong triển khai nhiệm vụ của ngành.
Riêng đối với tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian tới sẽ phát triển ngành Công Thương dựa trên những ưu tiên trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại theo hướng bền vững, cụ thể: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp nặng có quy mô lớn gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất; các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp hỗ trợ tại các khu công nghiệp và các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn tại các cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện. Đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hệ thống hạ tầng công nghiệp, lấy các cụm, khu công nghiệp làm hạt nhân phát triển kinh tế vùng nông thôn, hải đảo. Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, chú trọng phát triển công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thuyền công suất lớn, phát triển Tổ hợp công nghiệp Doosan, phát triển công nghiệp hỗ trợ cơ khí, chế tạo máy và sản xuất kim loại; hình thành trung tâm chế tạo và xây lắp máy móc thiết bị phục vụ cho vận hành tổ hợp lọc, hóa dầu Dung Quất nói riêng và cho ngành lọc hóa dầu trong nước nói chung, đồng thời hướng tới xuất khẩu một số trang thiết bị của ngành. Ưu tiên phát triển ngành cơ khí đóng tàu. Đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở vật chất đóng tàu biển trọng tải lớn đến 100.000 tấn và sửa chữa tàu biển trọng tải đến 600.000 DWT. Đầu tư có chọn lọc nhằm nâng dần tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm tàu biển. Các sản phẩm chủ yếu công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên phát triển là: Sản phẩm ngành đúc, gia công kim loại, khuôn mẫu, nhiệt luyện, luyện kim, cơ điện tử… Hình thành và phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phấn đấu tạo tiền đề đến giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Ngãi trở thành trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt - may, da - giày của khu vực. Kết hợp song song giữa sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt - may, da - giày với việc phát triển dịch vụ cung cấp nguyên phụ liệu.
Với chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương sẽ cùng tỉnh ủy và ủy ban nhân dân, nhân dân Quảng Ngãi triển khai những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho giai đoạn 2016-2020, phát huy tối đa những lợi thế về truyền thống cách mạng và những lợi thế so sánh của địa phương, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội; xây dựng Quảng Ngãi ngày càng phát triển, phồn vinh, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Nhiều câu hỏi được đặt ra với Tư lệnh ngành Công Thương tại buổi tiếp xúc cử tri trước ngày bầu cử |
Thưa Bộ trưởng, trong dịp tiếp xúc cử tri dịp đầu tháng 5 vừa qua, người dân tỉnh Quảng Ngãi thể hiện sự quan tâm vào vấn đề gì nhất và Bộ trưởng có ý kiến gì về những quan tâm đó?
BỘ TRƯỞNG TRẦN TUẤN ANH:
Bản thân tôi đã thu lượm, học hỏi được nhiều bài học trong 7 ngày tiếp xúc với cử tri các huyện Ba Tơ, Mộ Đức, Đức Phổ và Minh Long. Trước hết, tôi muốn bày tỏ sự cảm ơn đến các cử tri đã cởi mở và nhiệt tình đóng góp ý kiến để tôi hoàn thiện hơn chương trình hành động của mình; cũng như thẳng thắn, nghiêm khắc đưa ra những vấn đề còn vướng mắc. Quan tâm của cử tri tập trung vào 2 vấn đề chính: vướng mắc tại địa phương và những vấn đề thời sự chung của cả nước.
Về phía địa phương, những vấn đề được cử tri quan tâm đều là những sự việc, sự kiện ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống. Nổi bật nhất là vấn đề tìm đầu ra bền vững và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp; các vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới chú trọng phát triển giao thông nông thôn, y tế và giáo dục; giao thông - thủy lợi, giải quyết việc làm cho người dân vào thời điểm nông nhàn; phát triển nông thôn mới gắn với quy hoạch phát triển đô thị, giải phóng sức lao động. Bên cạnh đó, tại các huyện miền núi, các cử tri mong muốn các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn được thực hiện tốt hơn; các bất cập trong thực hiện chính sách cho người có công với cách mạng…
Không chỉ quan tâm đến những vấn đề “sân nhà”, mặc dù ở các huyện còn khó khăn, nhưng các cử tri luôn theo sát và quan tâm đến tình hình phát triển của đất nước, đặc biệt là các vấn đề nóng theo dòng thời sự. Ở nhiều điểm tiếp xúc, các cử tri đã nêu ý kiến về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; vấn đề môi trường, nhất là ở các khu công nghiệp; tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, đào tạo thợ chưa có chuyên sâu; vấn đề chung về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên cả nước. Các cử tri cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh quốc phòng, chủ quyền vùng biển, hải đảo của Việt Nam.
Trong phạm vi khả năng của mình, tôi cam kết với các cử tri sẽ thực hiện tốt nhất những gì đã hứa trong chương trình hành động để góp phần vào hướng phát triển chung của đất nước là đi lên bằng nền kinh tế tự chủ, không phụ thuộc. Trước mắt, những vấn đề liên quan trực tiếp hoặc liên quan một phần đến ngành Công Thương như: Thúc đẩy giải quyết việc làm tại các khu công nghiệp, ưu tiên sử dụng lao động địa phương hay giám sát quản lý hàng hóa từ khâu sản xuất đến lưu thông; quản lý sản xuất phân bón, hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật… Những vấn đề trong chức năng, nhiệm vụ của ngành Công Thương sẽ cố gắng giải quyết triệt để, đảm bảo quyền và lợi ích thỏa đáng cho cử tri. Những vấn đề ngoài khả năng, với vai trò và chức năng của một người đại biểu của nhân dân, nếu như trúng cử, tôi cam kết sẽ luôn giữ liên lạc với cử tri, lắng nghe và truyền tải những tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến các bộ, ngành có liên quan.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
TIN LIÊN QUAN | |