Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 5 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế Bến Tre
Tin hoạt động 16/02/2023 15:51
Sáng 16/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre để đánh giá kết quả phát triển KTXH năm 2022 và trao đổi, thảo luận phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; giải quyết các khó khăn, vướng mắc và xử lý kiến nghị nhằm hỗ trợ Bến Tre phát triển nhanh, bền vững.
Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ; lãnh đạo VPCP và các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Y tế, và các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang.
Chưa khai thác hết tiềm năng phát triển
Báo cáo của Tỉnh ủy Bến Tre tại buổi làm việc cho biết, năm 2022, tỉnh đạt và vượt 15/25 chỉ tiêu; GRDP tăng 7,33%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; xuất khẩu ước đạt 1,51 tỷ USD, tăng 19,69%, đặc biệt là bưởi da xanh (loại trái cây thứ 7 của nước ta) được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 5.635 tỷ đồng, bằng 106,43% dự toán Trung ương giao.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt gần 23.000 tỷ đồng, tăng 14,32%; thu hút được 63 dự án FDI và 267 dự án đầu tư trong nước. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, có 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 158 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Tình hình xâm nhập mặn được kiểm soát tốt.
Chỉ số PAR INDEX tăng 7 bậc, PCI xếp thứ 18/63, SIPAS xếp thứ 26/63. Hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp được đẩy mạnh, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao (tăng 56,25%), thúc đẩy mô hình kinh tế hợp tác (có 179 HTX, 1.129 tổ hợp tác).
Tỉnh chú trọng xây dựng Quy hoạch tỉnh thời 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai một số công trình trọng điểm, quy mô lớn tạo động lực và mở ra không gian phát triển mới. Công tác phát triển đô thị được chú trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 5 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế Bến Tre |
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm; triển khai hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội, nhất là trong dịp tết Quý Mão. Tỉ lệ tham gia BHYT đạt trên 96,6%, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,2%. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của cấp đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và công nghệ… đã trao đổi, thảo luận thẳng thắn, chân thành, nhằm tìm ra các động lực mới để tỉnh Bến Tre phát huy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên; việc phân cấp, phân quyền để địa phương chủ động thực hiện các giải pháp phát triển; sự phối hợp giữa địa phương với các bộ, ngành và liên kết với các tỉnh, thành phố để cùng phát triển; đồng thời thảo luận giải đáp đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bến Tre.
Liên quan đến những vấn đề thuộc lĩnh vực ngành Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết năm 2022, tăng trưởng công nghiệp Bến Tre đạt tới 16,48%, tăng gấp 2 lần so với trung bình cả nước. Kim ngạch xuất khẩu đạt tăng trưởng 20%, gấp đôi bình quân cả nước. Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả của công nghiệp và thương mại vào tăng trưởng kinh tế địa phương chưa bền vững, chưa có những đột phá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho địa phương.
Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại, công nghiệp Bến Tre còn hạn chế cả về hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, hạ tầng logistics. Công nghiệp nông thôn ngày càng tăng trưởng chậm lại, thiếu cơ sở sản xuất công nghiệp lớn và chủ lực; xuất khẩu khá nhưng giá trị gia tăng thì chưa cao, mạng lưới bán lẻ hiện đại còn mỏng, hạ tầng cho thương mại điện tử còn yếu, kết cấu hạ tầng công nghiệp nông thôn thiếu đồng bộ.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân chính là do chưa có quy hoạch đồng bộ về hạ tầng, nhất là kết nối hạ tầng công nghiệp dịch vụ - logistics; cơ chế khuyến khích đầu tư chưa hấp dẫ; xúc tiến thương mại chưa hiệu quả; mô hình sản xuất còn nhỏ lẻ, tự phát; chất lượng sản phẩm chưa ổn định và chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ổn định vào các thị trường.
5 nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy kinh tế
Về phương hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị: Thứ nhất, địa phương cần tiếp tục rà soát, bổ sung các chiến lược, đề án và kế hoạch phát triển các ngành kinh tế, nhất là lĩnh vực Công Thương để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Đồng thời chủ động nghiên cứu quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia cũng như tham khảo quy hoạch của các địa phương khác để kịp thời điều chỉnh quy hoạch tỉnh ngay sau khi được công bố (nếu thấy những điểm bất hợp lý), để làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư nói chung (đặc biệt là đón các dự án trọng điểm Quốc gia, dự án của ngành…).
Toàn cảnh buổi làm việc của Thủ tướng với tỉnh Bến Tre |
Thứ hai cần quyết liệt điều chỉnh các dự án sử dụng vốn đầu tư công, thay vì “rải mành” thì tập trung ưu tiên cho các dự án hạ tầng kết nối, các dự án hạ tầng công nghiệp dịch vụ trọng điểm. Tỉnh cần mạnh dạn xây dựng, điều chỉnh cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển, nhất là các nguồn lực xã hội. Mạnh dạn triển khai xây dựng các cơ chế quản lý, vận hành phức hợp để có thể khai thác, vận hành các tài sản, công trình theo mô hình công tư kết hợp.
Thứ ba cần có chính sách khuyến khích các ngành công nghiệp, chế biến chế tạo, nhất là chế biến nông, lâm, thủy, hải sản, trái cây, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hóa chất, công nghiệp dược phẩm trên địa bàn. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách thí điểm hoặc cơ chế đặc thù phát triển ngành công nghiệp năng lượng, phát triển điện gió để sử dụng tại chỗ, tạo ra sản phẩm mới để xuất khẩu (ví dụ như hydrogen hoặc pin năng lượng sạch).
Thứ tư là hỗ trợ công tác nghiên cứu phát triển thị trường để thúc đẩy sản xuất theo mô hình tập trung, tuân thủ các quy trình quy tắc, bảo đảm các sản phẩm sản xuất ra phải đạt tiêu chuẩn của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Kiên quyết loại bỏ hình thức xuất khẩu tiểu ngạch và bán hàng qua biên giới. Đồng thời đẩy mạnh khai thác, phát huy hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các nước.
Thứ 5 cần chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng yêu của các đơn vị đầu tư tại địa phương. Chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tiết giảm tối đa chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Nghiên cứu thí điểm mô hình khai thác nắng, gió làm nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp năng lượng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, với ngành Công Thương, tỉnh có 2 kiến nghị. Thứ nhất là bổ sung vào quy hoạch điện VIII nguồn điện gió 1.500 MW tới năm 2025 và 4.500 MW tới năm 2060.
Tuy nhiên, từ nay đến năm 2030, Việt Nam dự kiến phát triển 21.000MW điện gió trên bờ, 7.000MW ngoài khơi (trong đó khoảng 4.000MW ở phía Bắc). Hiện Bến Tre đang đề xuất tăng 1.500MW ở giai đoạn này, trong khi phụ tải chỉ ở khoảng ở 500MW và đã có quy hoạch tất cả các nguồn điện trong đó có điện gió, mặt trời, 1.108MW. Như vậy, Bến Tre mới tiêu thụ một nửa công suất hiện có. Nếu tiếp tục bổ sung 1.500MW thì sẽ không phù hợp với quy tắc phát triển cân đối các nguồn điện, giữa các vùng, miền, giữa nguồn và truyền tải, đặc biệt vượt quá xa so với nhu cầu tại chỗ.
Song, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nguyện vọng này của tỉnh là hoàn toàn chính đáng và có cơ sở. “Việc này Bộ Công Thương cũng thống nhất với địa phương là sẽ kiến nghị Chính phủ nghiên cứu thí điểm mô hình khai thác nắng, gió làm nguyên liệu đầu vào cho một ngành công nghiệp mới là công nghiệp năng lượng, và thu hút thí điểm áp dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp để các nhà sản xuất điện sẽ sử dụng tại chỗ để điều chế hydrogen, sản xuất các pin năng lượng sạch, và coi đó là tài nguyên, tiềm năng để phát triển. Tôi nghĩ rằng nếu làm được điều này thì không chỉ Bến Tre mà các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều có thể làm được”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Với kiến nghị đầu tư nhà máy sản xuất hydrogen ở Bến Tre, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, về nguyên tắc, Bộ Công Thương ủng hộ. Quan điểm của Bộ đã thể hiện trong văn bản báo cáo Thủ tướng và đã trả lời địa phương rồi. Tuy nhiên, để thí điểm mô hình này, địa phương cần nghiên cứu xem xét quy hoạch không gian biển, đảm bảo giữa phát triển kinh tế với quốc phòng an ninh và môi trường. Đồng thời phải chọn lọc những nhà đầu tư thật sự có nguồn lực về tài chính, kỹ thuật và đủ sức làm chủ, dẫn dắt nếu như có các yếu tố nước ngoài tham gia.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của Bến Tre, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đây đều là những đề xuất chính đáng; cơ bản đồng tình xem xét để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trên cơ sở phân tích các khía cạnh, bối cảnh, tình hình chung và các quy định chung, quy hoạch tổng thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao công việc cụ thể cho từng bộ, ngành phối hợp với tỉnh Bến Tre giải quyết.
Thủ tướng lưu ý thêm, đối với chủ trương lấn biển, tỉnh Bến Tre phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức liên quan phối hợp nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của việc lấn biển đối với môi trường, sinh thái... Về việc phát triển năng lượng tái tạo phải căn cứ quy hoạch, chiến lược chung; đồng thời phải bảo đảm hài hòa lợi ích.
Đối với việc bố trí ngân sách Trung ương hỗ trợ các tỉnh, Thủ tướng cho biết tới đây Chính phủ sẽ chỉ đạo xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí để phân bổ ngân sách công khai, minh bạch, hợp lý, hiệu quả; tránh trục lợi chính sách; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân... Các địa phương phải phát huy tự lực, tự cường, không trông chờ, ỉ lại; đầu tư chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm và dứt điểm, tránh dàn trải, dây dưa... |