Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu
Tin hoạt động 25/04/2023 10:09
Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã phân tích, đánh giá bối cảnh thế giới và trong nước. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thời gian qua Việt Nam đã ký các Hiệp định thương mại song phương, đa phương nhằm thuận lợi hóa thương mại để thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, một số nước phát triển đã dựng lên các rào cản kỹ thuật như chuyển đổi năng lượng xanh sạch, sản xuất cacbon thấp… Tất cả những chính sách này mới nghe có vẻ rất nhân văn nhưng đây là "luật chơi mới" trong cuộc đua không cân sức, bởi những nước phát triển đã đi trước chúng ta rất xa, có điều kiện hơn chúng ta rất nhiều.
Trong bối cảnh như vậy người sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, nhất là sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp trong nước là những đối tượng chịu sự tác động nhiều nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích, đánh giá về tác động của thị trường thế giới đối với hoạt động XNK của Việt Nam trong quý I/2023 |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ, tình hình quý I/2023 báo cáo của Chính phủ đã đánh giá mặc dù nỗ lực rất cao nhưng tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32%. Nhiều địa phương trong đó có những địa phương được xem là đầu tàu, là động lực của nền kinh tế đất nước lại có mức độ tăng trưởng thấp như TP. Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,7%. Như vậy tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước cũng như nhiều địa phương trong cả nước thấp hơn so với kế hoạch và thấp xa so với cùng kỳ năm trước.
“Nếu chúng ta không kịp thời tìm những giải pháp để tháo gỡ thì khó có thể đạt được mục tiêu cho năm nay và cho cả chu kỳ 5 năm, 10 năm tiếp theo”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, thời gian vừa qua Chính phủ, Bộ ngành, địa phương đã có nhiều cuộc gặp đối thoại với doanh nghiệp, hay đẩy mạnh cải cách hành chính, cố gắng làm thế nào đó để tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp sản xuất. Đặc biệt Chính phủ cũng có rất nhiều chỉ đạo, có nhiều Công điện và Chỉ thị để đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư. Trong đó có Công điện số 238 ngày 10/4/2023 về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu.
Bộ trường cho biết Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” được tổ chức với sự tham gia của các Hiệp hội, ngành hàng và các doanh nghiệp hôm nay là một trong những minh chứng rõ nét nhất về nỗ lực của Bộ Công Thương trước tình hình kinh tế đất nước và là hành động thiết thực theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tại hội nghị, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động của mình trong thời gian qua, từ đó thẳng thắn trao đổi, đánh giá đúng tình hình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc và những nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan dẫn đến hạn chế. Từ đó, dự báo tình hình trong những tháng tới để đề xuất những giải pháp thiết thực, khả thi trong đó cả những cơ chế chính sách cần gỡ, nhằm kịp thời khắc phục những yếu kém lấy lại đà tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu mà Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra.
Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu báo cáo về tình hình xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2023 |
Trên thực tế, báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu đưa ra tại Hội nghị cũng cho thấy, kết quả xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2023 đều ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ, đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 74,5 tỷ USD, giảm 15,4%. Xuất khẩu, nhập khẩu giảm ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực doanh nghiệp FDI.
Xét về thị trường, xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ đạt 24,6 tỷ USD, giảm 19,4%; sang thị trường châu Âu đạt 12,4 tỷ USD, giảm 9,7%. Xuất khẩu sang thị trường châu Phi giảm 11,2%, châu Đại Dương giảm 3,7%. Xuất khẩu sang thị trường châu Á đạt 38,7 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ.
Xét về nhóm hàng, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp đạt 67,8 tỷ USD, giảm 12,7% so với cùng kỳ; nhóm nông, thủy sản đạt 6,8 tỷ USD, giảm 7,8%; nhóm nhiên liệu và khoáng sản đạt 1,03 tỷ USD, giảm 1,6%.
Đáng lưu ý, trong quý I/2023, một số ngành hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu giảm như ngành hàng điện tử, máy tính: Xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 13,4 tỷ USD, giảm 12,2%; điện tử, máy vi tính và linh kiện đạt 12 tỷ USD, giảm 9,3%. Xuất khẩu hàng may mặc đạt 7,2 tỷ USD, giảm 17,7%; xơ sợi dệt đạt 941 triệu USD, giảm 35%; vải mành, vải kỹ thuật đạt 178.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương nguyên nhân sản xuất, xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là yếu tố thị trường xuất khẩu, các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, sức mua sụt giảm, đặc biệt là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu. Tuy nhiên, tác động đến từng ngành hàng là khác nhau. Những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU,.. như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản là những ngành sụt giảm nhiều nhất; trong khi đó các ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là châu Á như cao su, gạo, rau quả, hạt điều,... ít chịu tác động hơn.
Ngoài ra, chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tránh rủi ro. Chi phí nhân công, bao bì, vận chuyển,... cũng tăng cao.
Yếu tố hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại: Một số ngành hàng như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. Yếu tố cạnh tranh trên thị trường ảnh hưởng đến giá hàng hoá xuất khẩu.
Nguyên nhân chủ quan vấn đề nguồn nguyên liệu cho sản xuất, xuất khẩu: Khả năng đáp ứng nguồn nguyên liệu trong nước đang là khó khăn của một số ngành xuất khẩu chủ lực như mặt hàng gỗ, mặt hàng thuỷ sản, mặt hàng hạt điều. Chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giúp đảm bảo nguồn cung ổn định, cùng mức giá cạnh tranh cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Vuasanca sẽ tiếp tục cập nhật