Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gợi ý những hướng đột phá phát triển công nghiệp, thương mại ở Phú Thọ
Tại buổi làm việc ngày 12/7 với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Quốc hội, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cho biết: Trong năm 2021, tăng trưởng kinh tế của Phú Thọ đạt 6,28%. Trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 7,8%. Trong đó, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đạt 38,98% (tăng 5,5% năm 2015).
Đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ |
Lĩnh vực công nghiệp phục hồi và phát triển nhanh, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế (năm 2021 đạt 8,5%), 6 tháng đầu năm 2022 đạt 15,2%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13,73% (là ngành chiếm tỷ trọng 93% toàn ngành công nghiệp, đóng góp 97,8% giá trị xuất khẩu của tỉnh). Hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển nhanh, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 thu hút 50 dự án, vốn đầu tư trên 16 nghìn tỷ đồng, trong đó có 33 dự án sản xuất, lắp ráp điện tử, công nghiệp phụ trợ (đây là các dự án quy mô lớn, bổ sung năng lực mới tăng thêm thời gian tới).
Đóng góp ý kiến cho việc phát triển công nghiệp, thương mại của Phú Thọ trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương đồng tình với báo cáo của tỉnh Phú Thọ và khẳng định Phú Thọ là địa phương có vị trí đắc địa cả về kinh tế và chính trị, văn hóa so với cả nước khi là vùng chuyển tiếp giữa thủ đô với miền núi phía Bắc. Phú Thọ còn là địa phương nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Phú Thọ còn là đầu mối giao thông quan trọng cả về đườg thủy, đường bộ và đường sắt nhằm kết nối trung chuyển hàng hóa giữa các khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và Đồng bằng Sông Hồng. Đây là những tiềm năng, thế mạnh riêng có của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ vận tải, logictics…. Nắm bắt được những lợi thế này trong năm qua tỉnh Phú Thọ đã rất nỗ lực để đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Thời gian qua, đã có những bước phát triển vượt bậc, cao hơn so với các chỉ tiêu của cả nước, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu
Về mặt kinh tế, năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 6,28%, 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7,8%, gấp 1,5 lần đến 2 lần so với cả nước. Riêng trong lĩnh vực công nghiệp, tốc độ tăng trưởng đạt 8,5% trong khi cả nước chỉ có 4,82%, 6 tháng đầu năm tăng trưởng công nghiệp đạt 15,2% trong khi cả nước tăng 8,48%, gấp 2 lần mức tăng của cả nước, đứng thứ 4 trong vùng, xếp thứ 24 so với cả nước.
Về quốc nội, trong đó công nghiệp chế biến nhất là chế biến nông lâm sản, khai thác chế biến khoáng sản, phân bón, vật liệu xây, công nghiệp may mặc, tiêu dùng là những ngành chủ lực. Hoạt động xuất nhập khẩu có bước phát triển mạnh khi kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 8.3 tỷ đô la, tăng gấp 2 lần so với 2020, đứng 3 trong vùng, đứng thứ 10 trong nước. Thị trường trong nước ổn định, hạ tầng thương mại được chú trọng, đầu tư. Điều này chứng tỏ tiềm năng của địa phương được lãnh đạo quan tâm và khai thác.
Tuy nhiên, quy mô phát triển công nghiệp của Phú Thọ còn hạn chế, FDI còn chưa chiếm tỷ trọng lớn, trong đó, việc liên kết FDI với doanh nghiệp địa phương chưa cao, nguyên liệu đầu vào chưa chủ động. Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất toàn ngành . Hạ tầng thương mại cũng chưa đạt tỷ trọng cao nhất là vùng sâu, vùng xa. Không những thế, hạ tầng logistics, quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, thương mại cũng chưa cao.Hạ tầng công nghiệp, logistic còn hạn chế, thiếu quỹ đất trong phát triển mặc dù quy mô trung du miền núi, địa chất, đất đai nhiều nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận xét: Nút thắt của những việc này là quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp tại Phú Thọ vẫn còn hạn chế. Đồng thời, Phú Thọ vẫn chưa có quy hoạch đồng bộ, hạ tầng giao thông, nhất là giao thông kết nối chưa được đầu tư tương xứng, thiếu nguồn lực, thiếu cơ chế để huy động vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao, chủ động trong phát triển quỹ đất.
Để Phú Thọ có thể trở thành 1 trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của trung du miền núi phía Bắc và vùng thủ đô như Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 20 của tỉnh đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Phú Thọ quan tâm, chú trọng một số các vấn đề:
Một là, đề nghị địa phương quan tâm chỉ đạo, xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn để kịp thời tích hợp vào trong quy hoạch của tỉnh, vùng. Trong qua trình quy hoạch,tỉnh cần quan tâm nghiên cứu những định hướng quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành để tích hợp vào trong quy hoạch tỉnh trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với ngành công thương chú trọng quy hoạch khoáng sản, hóa chất, là những thế mạnh, gắn với lợi ích của địa phương. Trong phát triển quy hoạch hiện đại, chú trọng phát triển công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp luyện kim, chế tạo, cơ khí, chế biến và điện tử. Đăc biệt là đối với địa phương có vị trí địa kinh tế thuận lợi như Phú Thọ, rất cần phát triển logistic.
Hai là, tập trung xã hội hóa huy động nguồn lực phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại, logistics, giao thông nhất là giao thông kết nối với vùng thủ đô, vùng Tây Bắc. Thời gian tới, Phú Thọ cũng cần có cơ chế tạo quỹ đất sạch phục vụ phát triển công nghiệp, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, hạ tầng xã hội, sẵn sàng đón các nhà đầu tư trong làn sóng dịch chuyển đầu tư của khu vực và thế giới, nhất là khu vực các Hiệp định bảo hộ đầu tư của khu vực và Hiệp định RCEP có hiệu lực. Cùng với việc hình thành các tuyến giao thông là việc hình thành các hành lang kinh tế.
Ba là, quá trình thu hút đầu tư FDI, Phú Thọ phải có chọn lọc các nhà đầu tư có công nghệ cao, có cơ chế để lộ trình nội địa hóa nguyên liệu, dứt khoát phải phát triển mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh trong nước, phải có lộ trình đô thị hóa dây truyền sản xuất, để thực hiện mục tiêu tự chủ về công nghệ và quản trị doanh nghiệp.
Với lợi thế là tỉnh nằm trong trung tâm vùng trung du, miền núi phía Bắc, có nhiều nhà trường cao đẳng, đại học của Trung ương và địa phương, Phú Thọ cũng chú trọng quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo từ sớm, từ xa, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đào tạo theo modul, kết hợp giữa lý thuyết trong nhà trường và thực hành tại xưởng.
Bốn là, cùng với việc thu hút đầu tư FDI, Bộ Công Thương đề nghị Phú Thọ quan tâm thu hút đầu tư trong nước để từng bước xây dựng củng cố công nghiệp tập trung vào các loại hình công nghiệp như: vật liệu xây dựng, luyện kim, cơ khí, điện tử, chế tạo máy..., và nhất là nông, lâm sản để Phú Thọ từng bước tự chủ về nguồn nguyên liệu…Đây là những ngành vốn xưa nay Phú Thọ đã nổi bật hơn vùng, thậm chí nổi hơn nhiều địa phương trên cả nước.
Cuối cùng, Phú Thọ cũng cần quan tâm vào quy hoạch, đầu tư hạ tầng thương mại, kể cả thương mại truyền thống cũng như thương mại hiện đại. Bên cạnh đó là hạ tầng công nghiệp, thương mại trên địa bàn, tạo điều kiện để cho việc triển khai dự án trung tâm logistic, xây dựng chiến lược logistic, xác định địa bàn trọng điểm công nghiệp của Phú Thọ.