Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị cấp Bộ trưởng Đối tác tăng trưởng xanh Châu Á lần thứ 2
Trang thông tin Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương 26/09/2022 21:51
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV lần thứ 14 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp Đại sứ Hàn Quốc đến chào từ biệt trước khi kết thúc nhiệm kỳ về nước |
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thông tin về quan điểm, định hướng cũng như quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện những cam kết quốc tế về năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời bày tỏ mong muốn được hợp tác với các đối tác nhằm chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng.
Vuasanca xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.
Kính thưa các quý vị đại biểu.
Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực ASEAN, kèm theo đó là tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa tăng nhanh. Đứng trước yêu cầu về đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững, ngành năng lượng phải đối mặt với nhiều thách thức như cung ứng đủ điện, sạch, chất lượng và chi phí phù hợp. Đây là thời điểm để Việt Nam xem xét đến cách thức chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng sử dụng nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo đi kèm với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tuyên bố mạnh mẽ này đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu chuyển dịch nguồn năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính... bằng các nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và công nghệ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng Đối tác tăng trưởng xanh Châu Á lần thứ 2 |
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã nỗ lực rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) với những ưu tiên cụ thể:
Phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, sinh khối, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.
Đối với các nguồn điện than sẽ chuyển dần sang dùng nhiên liệu biomass hoặc anomiac (tăng dần tỷ trọng đốt kèm). Sau năm 2030, không phát triển các nguồn điện than mới. Đối với các nhà máy chưa hết đời sống kinh tế vào năm 2050, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi nhiên liệu để có thể chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hoàn toàn vào năm 2050.
Đối với các nguồn điện LNG sẽ chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu hydrogen (tăng dần tỷ trọng đốt kèm) và khi công nghệ đã chín muồi, chuyển hẳn sang sử dụng nhiên liệu hydrogen sau 20 năm vận hành, đồng thời có thể phát triển các nhà máy điện thế hệ mới sử dụng hoàn toàn hydrogen.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, đề xuất luật hóa việc phát triển năng lượng tái tạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và khuyến khích cải thiệnhành vi, thói quen sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm, hiệu quả phấn đấu tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đạt khoảng 7% vào năm 2030 và 14% vào năm 2045.
Kính thưa các quý vị
Với Chương trình phát triển điện lực nêu trên đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn (khoảng 13,6 tỷ Đô la Mỹ/năm trong trong giai đoạn 2021-2030 và 16,1 tỷ Đô la Mỹ/năm trong giai đoạn 2031-2045). Vì vậy, để thực hiện thành công Chương trình phát triển điện lực này, bên cạnh sự nỗ lực của mình, Việt Nam rất cần sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác và các nhà tài trợ quốc tế về công nghệ, kỹ thuật, kinh nghiệm và các nguồn vốn ưu đãi đầu tư; nhất là hỗ trợ trong việc khơi thông, thu hút các nguồn tài chính từ khu vực công - tư để thúc đẩy hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực về cơ sở hạ tầng điện khí, nguồn năng lượng tái tạo, hạ tầng truyền tải điện và các công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Chúng tôi tin tưởng rằng: Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của Chính phủ Việt Nam, cùng với sự hợp tác, hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các đối tác, các nhà tài trợ quốc tế, ngành năng lượng Việt Nam sẽ tiếp tục được chuyển đổi và phát triển mạnh mẽ hơn theo hướng bền vững, hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu quốc gia mà chúng tôi đã cam kết tại Hội nghị COP26, góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công mục tiêu chung về chuyển dịch năng lượng của khu vực ASEAN và Châu Á.
Xin trân trọng cảm ơn các quý vị!