Bộ trưởng Phan Anh - Một nhân cách lớn
Tin hoạt động 21/03/2016 16:09
Bộ trưởng Phan Anh. Nguồn Internet |
Danh chính thì từ năm 1951 theo Sắc lệnh số 21/SL ngày 14/5/1951 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh, đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương, luật sư Phan Anh là Bộ trưởng đầu tiên. Vì chỉ là “đổi tên Bộ”, nên đúng ra phải tính thâm niên ngành Công Thương cho ông từ năm 1947. Sau cách mạng tháng Tám, theo Sắc lệnh 220/SL ngày 26/11/1946, Bộ Kinh tế do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Bộ trưởng, đến năm 1947 chuyển giao sang luật sư Phan Anh. Năm 1955, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá I, tách Bộ Công Thương thành Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp, ông là Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp. Năm 1958, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá I, tách Bộ Thương nghiệp thành Bộ Ngoại thương và Bộ Nội thương, ông là Bộ trưởng Bộ Ngoại Thương tới năm 1976. Theo dòng chảy của lịch sử, năm 2007 trở lại mô hình Bộ Công Thương, như “Châu về hợp phố”, tên tuổi của ông lại càng được nhắc đến.
Trước và sau khi làm kinh tế - thương mại, ông đã kinh qua nhiều cương vị. Ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá I từ tháng 3 đến tháng 11/1946. Bác Hồ giao cho ông tập hợp trí thức thành lập “Hội đồng Kiến thiết quốc gia” và chỉ định ông làm Chủ tịch. Ông làm Tổng thuyết viên của Đoàn Việt Nam tại Phông-ten-nơ-bơ-lô, thành viên Đoàn Việt Nam tại Giơ-ne-vơ, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Phó Chủ tịch đoàn Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Hoà Bình thế giới của Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới. Có vị khái lược cuộc đời ông bằng vần thơ:
“Đầu đời lo việc chiến binh
Cuối đời bảo vệ hoà bình, tự do”.
Vịnh thơ, thậm chí dành cả áng văn chương về cuộc đời và sự nghiệp của ông cũng không có gì khiên cưỡng. Những cộng sự gần gũi với ông tự hào rằng, thời khắc hiếm hoi xen những giờ luận bàn việc công ở Chiến khu Việt Bắc hay khi về lại Thủ đô “Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ”, trước khi bước vào việc đại sự, khoảnh khắc cảm hứng với cảnh trí, xúc động trước tình người, ông thường lẩy truyện Kiều, thâm thúy, dí dỏm, đàm đạo thơ phú với lãnh tụ, với các bậc tài danh, đồng nghiệp thân hữu.
Ông Phạm Văn Đồng (phải) và ông Phan Anh (trái) |
Với lớp hậu thế chúng tôi, ấn tượng về ông là vị thuyền trưởng chèo lái con thuyền thương mại Việt Nam khi vừa chòng chành rời bến.
Trong kháng chiến 9 năm, vận dụng thế cài răng lược ta - địch, vùng tự do - khu tạm chiếm, thương nghiệp được dùng làm vũ khi sắc bén đấu tranh kinh tế với địch thực hiện chủ trương “bao vây kinh tế địch”, ngăn chặn nguồn quân lương của đối phương, đảm bảo hậu cần cho bộ đội ta chiến đấu, đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Trong những ngày ngặt nghèo ấy, hạt muối Cụ Hồ còn theo bước chân người chiến sỹ thương nghiệp đã tới bên bếp lửa nhà sàn.
Chủ trương là “đấu tranh” nhưng trong kế sách lại rất uyển chuyển. Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (Khóa II - tháng 3/1951), chỉ rõ: Mục đích đấu tranh kinh tế với địch không phải là đặt hàng rào ngăn cách mà vẫn phải mở mang buôn bán, nhưng không làm hại cho ta, đưa ra vùng tự do những vật phẩm cần cho kháng chiến, cho đời sống chiến sỹ, đồng bào. Nghị quyết ấy đã được cụ thể bằng những chỉ lệnh: Đối nội phải tự do kinh doanh. Với nước ngoài phải quản lý. Trong trao đổi phải đứng vững trên lập trường độc lập, tự chủ, cái gì lợi thì cho phép, cái gì hại cho nền kinh tế quốc dân thì cấm. Tranh thủ trao đổi giữa hai vùng, mở cửa vùng tự do với vùng tạm chiếm.... Biết rằng mọi sự so sánh đều khập khễnh, nhưng nếu hoán đổi những ngôn từ thuở ấy bằng những thuật ngữ thời nay, có lẽ nhầm tưởng là văn kiện thời mới.
Chiến thắng biên giới - 1950, mở cánh cửa để Việt Nam ra với bầu bạn quốc tế. Thông qua thực thi các Hiệp định kinh tế - thương mại với nước ngoài được ký kết, đã bổ sung kịp thời, có hiệu quả tiềm lực để kháng chiến thắng lợi và hoà bình được khôi phục.
Thực hiện chiến lược của Đại hội III - 1960, ông viết: Hoạt động ngoại thương nhằm hai mục tiêu chính: Bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Từ 1965, khi chiến tranh lan ra miền Bắc, ông đã cùng Đảng đoàn Bộ Ngoại thương thực hiện thắng lợi chủ trương chuyển hướng làm hậu cần cho cuộc đụng đầu lịch sử tới ngày toàn thắng về ta. Qua nhập khẩu đã tranh thủ tiếp nhận hàng hóa, vật tư, chuyển giao kỹ thuật của các nước bạn. Với xuất khẩu đã khai thác tiềm năng của đất nước nhưng vẫn bồi dưỡng, giữ gìn những căn cơ để phát triển bền vững.
Bộ trưởng Phan Anh và Thứ trưởng Ngoại thương Liên Xô Grisin ở chân tháp truyền hình Oxtankino, Matxcơva năm 1970 |
Trong những ngày còn trứng nước, chủ yếu dựa vào trợ giúp của bầu bạn, ông trăn trở: Lâu nay, nhận thức về ngoại thương còn phiến diện, chưa coi trọng xuất khẩu, còn ỷ lại vào viện trợ. Chỉ trông chờ vào viện trợ thì nhiều nhu cầu của nền kinh tế không thể đáp ứng được. Muốn vậy phải nhập khẩu, mà nhập khẩu phải có ngoại tệ, nghĩa là phải xuất khẩu. Trong mọi trường hợp xuất khẩu và nhập khẩu phải gắn kết với nhau. Điều đó đến nay còn nguyên giá trị.
Trong điều hành, với bản tính điềm tĩnh, nhưng cương nghị, cấp dưới tâm phục khẩu phục, hào hứng thực thi chức phận. Trong họp bàn, ông lắng nghe cán bộ phát biểu hết ý kiến dù có những điểm không ưng thuận, mới kết luận. Đời thường của ông chỉ cần nói hai chữ: giản dị.
Các cán bộ kỳ cựu ở Bộ Ngoại thương truyền nhau: Biết luật sư Phan Anh có nguyện vọng vào Đảng, Bác Hồ nói với ông: Chú cứ ở ngoài Đảng, có lợi cho Đảng hơn. Những thành công của ngành gắn liền với tên tuổi ông, là bằng chứng về sự tin tưởng của ông vào lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ. Sự tin tưởng mang tư chất của một trí thức lớn, bản lĩnh khoa học, triết lý bẩm sinh, không cuồng tín, luồn cúi, che chắn, mưu cầu hư vinh.
Chào đời vào năm 1911 tại miền đất hiếu học, năng động Hà Tĩnh, năm 1990 ông về cõi vĩnh hằng.
Nén tâm nhang tưởng nhớ ông mang theo ước nguyện một ngày nào đó sẽ có đường phố mang tên “Phan Anh”, nhất là ở Thủ đô Hà Nội, tương xứng với tên tuổi các vị nhân sỹ trí thức một thời đã được Bác Hồ trọng dụng./.