Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dự Lễ ra quân của May 10
Tin hoạt động 20/02/2018 12:40
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tặng quà chúc Tết cán bộ, công nhân viên May 10 |
Tham dự buổi lễ có đồng chí Bùi Văn Cường – Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ Công Thương và hơn 2.000 cán bộ, công nhân viên May 10 tại Hà Nội.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trường Trần Tuấn Anh đã gửi lời chúc mừng năm mới đến cán bộ và gần 12 nghìn người lao động của May 10, chúc đơn vị tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, đặc biệt là thành tích tổng doanh thu đạt 3.012 tỷ đồng, tăng 3,29% so với năm 2016; nộp ngân sách 60,44 tỷ đồng, tăng 10,98%; lợi nhuận đạt 63 tỷ đồng, tăng 4,65%.
“Bộ Công Thương đánh giá cao chiến lược, kế hoạch phát triển của May 10 trong thời gian qua” – Bộ trưởng nói và nhấn mạnh, trong đó, chiến lược đầu tư hạ tầng, thiết bị, nhân lực và phát triển thị trường là những hướng đi đúng, đem lại thành công cho May 10 nói riêng và ngành dệt may Việt Nam nói chung.
Cán bộ, công nhân viên May 10 nhận lì xì đầu năm của Bộ trưởng |
Về kế hoạch năm 2018 của May 10 với tổng doanh thu 3.106 tỷ đồng, Bộ trưởng cho rằng, trong điều kiện ngành dệt may còn gặp nhiều khó khăn thì đây là mục tiêu thể hiện sự quyết tâm và tự tin của doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng, cùng với chiến lược phát triển bài bản, đầu tư hiện đại cho công nghệ và nâng cao trình độ cán bộ, công nhân viên của May 10 nói riêng, ngành dệt may nói chung, có thể khẳng định ngành dệt may đang dần tiệm cận với trình độ phát triển chung của ngành dệt may trên thế giới.
Thăm nhà máy, Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực đầu tư hiện đại hoá công nghệ, thiết bị của May 10 |
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, nếu chỉ xét trên bình diện phát triển của từng doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, thì còn nhiều hạn chế.
Vì vậy, “chúng ta cần sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống” – Bộ trưởng nói và cho rằng, trước hết, ở tầm vĩ mô, cần đẩy nhanh hơn nữa việc áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ bằng việc xác định rõ những cơ hội, thách thức để có chiến lược bài bản, sát thực tế. Trong nỗ lực đó, Bộ Công Thương đã và đang rà soát, đánh giá tổng thể năng lực cạnh tranh của sản phẩm, khả năng tiếp cận công nghệ, khả năng cạnh tranh… của ngành dệt may để tìm ra những giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển ngành này.
Bộ trưởng lưu ý, cùng với việc phát triển thị trường ngoài nước, ngành dệt may cần quan tâm hơn đến thị trường nội địa |
“Chính phủ, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp bằng việc tiếp tục cải cách thể chế, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong năm 2018 và những năm tiếp theo” – Bộ trưởng nhấn mạnh thêm, bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động, linh hoạt trong tiếp cận các cơ hội phát triển sản phẩm, tiếp cận thị trường, đặc biệt là những cơ hội đến từ các hiệp định thương mại đa và song phương, trong đó, việc tìm hiểu những hiệp định, khai thác lợi thế, hạn chế khó khăn để phát triển, mở rộng thị trường ngoài nước là hết sức quan trọng, nhưng các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến thị trường trong nước với dư địa phát triển được đánh giá còn rất lớn.