Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gặp song phương Bộ trưởng Bộ Công Thương Philippines, Lào
Tin hoạt động 05/08/2016 17:20
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Công Thương Philippines - Ramon Lopez, hai Bộ trưởng vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Philippines đã phát triển khả quan trong thời gian qua.
Năm 2015, kim ngạch XNK giữa hai nước đạt gần 3 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,52 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Philippines đạt 1,08 tỷ USD, tăng 17,5%; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Philippines đạt 443 triệu USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ 2015. Thương mại song phương ngày càng đa dạng hóa về cơ cấu chủng loại mặt hàng, tăng về cả lượng và giá trị xuất khẩu. Cơ cấu xuất nhập khẩu Việt Nam - Philippines cơ bản mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp.
Việt Nam hiện đang cung cấp cho Philippines các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm chế biến (như gạo, cà phê, hạt tiêu, bánh kẹo...), các sản phẩm phục vụ cho ngành xây dựng (như clinke và xi măng, sắt thép các loại...). Philippines là nhà cung cấp cho Việt Nam các sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, phân bón.... Hai Bộ trưởng tin tưởng rằng, quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Philippines sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao tầm quan trọng của thị trường Philippines đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đây là mặt hàng truyền thống quan trọng, đóng góp đáng kể vào kim ngạch thương mại hai nước. Bộ trưởng ghi nhận và cảm ơn sự hợp tác của các cơ quan liên quan phía Philippines trong hợp tác thương mại gạo song phương với Việt Nam, đặc biệt là Bộ Công Thương Philippines, Cơ quan lương thực quốc gia NFA, Văn phòng Cố vấn Tổng thống về An ninh lương thực và Hiện đại hóa nông nghiệp trước đây và Bộ Ngoại giao Philippines. Bộ trưởng đề nghị Philippines phối hợp cùng Việt Nam xem xét ký Nghị định thư gia hạn Bản thỏa thuận thương mại gạo năm 2010 (hết hạn 31/12/2016) cho giai đoạn 2017-2020.
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị phía Philippines xem xét tổ chức Kỳ họp lần thứ 2 Tiểu ban hỗn hợp thương mại Việt Nam - Philippines vào thời gian thích hợp nhằm thúc đẩy hợp tác và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quan hệ thương mại giữa hai nước, cũng như trao đổi các giải pháp cụ thể đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt kết quả cao hơn nữa cho các năm tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Philippines hoan nghênh đề nghị gia hạn Bản Thỏa thuận thương mại gạo Việt Nam - Philippines cho giai đoạn tiếp theo, khẳng định sẽ trao đổi với các Bộ, cơ quan liên quan của Philippines về vấn đề này.
Đối với đề nghị tổ chức kỳ họp Tiểu ban hỗn hợp thương mại Việt Nam - Philippines lần thứ 2, Bộ trưởng Ramon Lopez nhất trí và mời Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thu xếp thời gian đồng chủ trì kỳ họp này tại Philippines trong quý III/2016. Thời gian cụ thể sẽ giao cho các đơn vị đầu mối của hai Bộ thu xếp.
* Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gặp song phương với Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào, nước chủ nhà của Hội nghị AEM 48.
Tại cuộc họp, hai Bộ trưởng vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Lào đã phát triển khả quan trong thời gian qua. Cụ thể là, kim ngạch thương mại hai nước liên tục tăng trưởng theo từng năm, trong giai đoạn năm 2010-2014, đạt mức tăng bình quân 25,8%/năm. Năm 2015, quan hệ thương mại hai nước đánh dấu bước tiến mới với việc hoàn tất đàm phán, ký kết hai Hiệp định Thương mại song phương, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương có chiều hướng giảm. Năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,123 tỷ USD, giảm 12,6% so với năm 2014 (1,285 tỷ USD). Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch thương mại hai nước chỉ đạt 433,3 triệu USD, giảm 34,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Hai Bộ trưởng đã chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm kim ngạch thương mại là do: (i) Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước chưa đa dạng, phụ thuộc chủ yếu vào một số mặt hàng chủ lực; (ii) Cơ sở hạ tầng thương mại biên giới còn nhiều yếu kém, nhất là hệ thống chợ và hạ tầng kỹ thuật; (iii) Doanh nghiệp hai nước chưa tham gia sâu vào hệ thống phân phối của nhau.
Trên cơ sở đó, hai Bộ trưởng đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước như: (i) Phối hợp nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển thương mại Việt Nam - Lào giai đoạn 10 năm tới; (ii) Nhanh chóng cụ thể hóa và tăng cường phổ biến các văn kiện quan trọng đối với quan hệ thương mại song phương đã ký giữa hai nước như Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào.
Ngoài ra, Bộ trưởng Công Thương Lào cũng cảm ơn và đề nghị Bộ Công Thương Việt Nam thu xếp đón tiếp đoàn Vụ Nội thương Lào sang làm việc và học tập kinh nghiệm Cục Quản lý canh tranh, Bộ Công Thương Việt Nam.
Kết thúc buổi họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chúc mừng Bộ trưởng Công Thương Lào, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã chủ trì và tổ chức thành công Hội nghị AEM 48 và các hội nghị liên quan.
TIN LIÊN QUAN | |