Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm việc với Bộ trưởng Bộ Kinh tế Slovakia
Tin hoạt động 25/11/2017 21:15
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, lãnh đạo Chính phủ và Bộ, ngành Việt Nam rất coi trọng chuyến thăm lần này của Phó thủ tướng Peter Pellegrini cùng các Bộ trưởng Slovakia, nhất là trong bối cảnh hai nước có nền tảng quan trọng trong quan hệ truyền thống hữu nghị những năm qua. Những cơ hội mới và tiềm năng đang rộng mở cho các lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư và cách lĩnh vực khác của hai quốc gia.
Theo thống kê của Vụ Thị trường châu Âu - châu Á (Bộ Công Thương), năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Slovakia tăng 52% so với năm 2015, đạt 448,556 triệu USD (trong đó Việt Nam xuất sang Slovakia đạt 416,721 triệu USD và nhập về từ Slovakia 31,835 triệu USD). Trong 10 tháng đầu năm 2017 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 630,185 triệu USD (tăng 78,9% so với cùng kỳ), trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 604,428 triệu USD (tăng 86%) và nhập khẩu đạt 25,757 triệu USD (giảm 5%).
Nhóm mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Slovakia là nông sản, thực phẩm, giầy dép, dệt may và nhập máy móc thiết bị, sản phẩm thuỷ tinh, thuốc chữa bệnh. Thị phần một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch lớn nhất vào thị trường Slovakia chủ yếu là giày dép và hàng dệt may. Việt Nam nhập khẩu từ Slovakia gỗ, phương tiện vận tải và máy móc thiết bị với giá trị còn thấp.
Về đầu tư, tính đến hết tháng 10/2017, Slovakia có 9 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 246,58 triệu USD, đứng thứ 36 trong tổng số 128 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Hầu hết các dự án đầu tư của Slovakia đều thực hiện theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 8 dự án, tổng vốn 235,58 triệu USD. Dự án còn lại thuộc hình thức liên doanh với tổng vốn 11 triệu USD. Về phía Việt Nam, hiện có 1 dự án đầu tư sang Slovakia là Dự án Công ty TNHH FPT Slovakia của Công ty TNHH phần mềm FPT với tổng vốn đầu tư 447.000 USD, được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 02/10/2014 và có hiệu lực 50 năm.
Đánh giá về quan hệ thương mại, hợp tác giữa hai nước, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Slovakia - Peter Ziga - cho biết, Slovakia rất coi trọng Việt Nam và xem như đối hàng đầu ở châu Á bởi hiện tại cán cân thương mại với Việt Nam lớn hơn so với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy qua chuyến đi này, Slovakia mong muốn đạt nhiều thỏa thuận không chỉ với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam mà còn với đại diện các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Slovakia cho rằng việc hợp tác giữa hai nước chưa phát huy hết tiềm năng khi cán cân thương mại đang nghiêng về Việt Nam.
Nhất trí với nhận định của Bộ trưởng Bộ Kinh tế Slovakia, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra những măt hạn chế tồn tại giữa cán cân thương mại hai nước. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam mong muốn hướng tới sự thương mại công bằng giữa hai bên và hiện có rất nhiều lĩnh vực như khai khoáng, hóa chất, công nghệ... muốn hợp tác cùng các DN của Slovakia.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Trong thời gian tới để tăng cường hợp tác thương mại và tạo thuận lợi cho DN hai nước phát triển thì nhiệm vụ của hai Bộ rất nặng nề. Hai phía cần có chương trình phối hợp chung, chủ động cung cấp thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh đầu tư, hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ tại thị trường mỗi nước... Đặc biệt, ngài đại sứ sắp tới của Slovakia tại Việt Nam có vai trò rất lớn trong việc làm đầu mối liên hệ với các cơ quan liên quan của Việt Nam để khai thác những cơ hội trong hoạt động đầu tư cho DN.
Năm 1993, Slovakia tách khỏi Liên bang Tiệp Khắc. Việt Nam và Slovakia đã tuyên bố kế thừa các mối quan hệ giữa Việt Nam và Tiệp Khắc trước đây. Với truyền thống hơn 67 năm, quan hệ hữu nghị nhiều mặt Việt Nam – Slovakia phát triển ngày càng tốt đẹp. Trong những năm gần đây, hai bên tiếp tục tăng cường tiếp xúc chính trị, trao đổi đoàn cấp cao. Hai bên khẳng định mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, trong đó có việc tăng cường trao đổi đoàn các cấp. |