Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Logistics là nội lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Hải Phòng
Tin hoạt động 12/07/2019 14:09
“Đầu tầu” trong ngành logistics của cả nước
Hoạt động logistics ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đối với ngành thương mại nói riêng ở Việt Nam. Đây là nhân tố then chốt trong chuỗi lưu thông hàng hóa, tạo ra giá trị tăng thêm cho hàng hóa và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đặc biệt, với Hải Phòng là thành phố có lưu lượng hàng hoá xuất nhập khẩu lớn nhất phía Bắc, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành một trung tâm dịch vụ logistics quan trọng của quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị |
Tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong các chỉ đạo của Chính phủ và một loạt đề án lớn đều nhấn mạnh đến vai trò đóng góp có ý nghĩa quan trọng của Hải Phòng không chỉ như một đầu tàu, hạt nhân trong liên kết vùng, mà còn là trong công cuộc phát triển bền vững, đặc biệt trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng với thế giới. Đặc biệt, Hải Phòng dựa trên lợi thế về địa chính trị của mình để thực hiện hoạt động liên kết và phát triển về logistics.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện nay, chúng ta đang hội nhập sâu rộng và chủ động với thế giới. Trong hội nghị lần trước khi chúng tôi về làm việc tại Hải Phòng thì chúng ta còn đang bàn đến những cơ hội và dự báo những triển vọng, những điều kiện thuận lợi của hội nhập, nhất là những nỗ lực để thúc đẩy ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thì nay chúng ta đã có những điều đó và nó là hành trang để chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới.
“Diễn ra trong bối cảnh mới đối với cả nước, nền kinh tế Việt Nam và cho cả các địa phương, nhất là những địa phương đang phát huy thế mạnh, vai trò vừa là hạt nhân liên kết, vừa là nền tảng quan trọng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập thì việc tổ chức hội nghị này nhằm tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh liên kết vùng thông qua phát triển dịch vụ logistics càng vô cùng có ý nghĩa” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Hải Phòng là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, từ rất sớm đã thể hiện vai trò của mình trong hoạt động công nghiệp hóa, cũng như phát triển thương mại, dịch vụ và logistics. Hải Phòng đã thật sự có nền tảng bài bản trong cả chính sách cũng như quan điểm phát triển. Chính vì vậy, chúng ta biết tới Hải Phòng hiện nay như là trung tâm kinh tế công nghiệp, trung tâm thương mại dịch vụ, đồng thời trở thành một trung tâm dịch vụ logistics quan trọng của quốc gia.
Hàng loạt đề án, chương trình hành động của thành phố trong thời gian qua đều đã bộc lộ những quan điểm rất toàn diện, trong đó có những hướng chỉ đạo rất cụ thể để tạo điều kiện phát triển trong các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có logistics. Cộng đồng doanh nghiệp của thành phố cũng như cả nước đã tìm đến Hải Phòng như là trung tâm logistics quan trọng và phục vụ cho phát triển thương mại quốc tế và các hoạt động sản xuất, đầu tư.
Theo Bộ trưởng, với những cơ hội lớn đang mở ra cả về thương mại quốc tế, công nghiệp, thu hút đầu tư và những chính sách sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường phát triển cho thành phố Hải Phòng, cùng với sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo địa phương, tin rằng tới đây Hải Phòng sẽ có những điều kiện khả thi mạnh mẽ hơn nữa phát huy những thế mạnh của mình cũng như những tiềm năng sau này.
"Logistics chắc chắn sẽ không chỉ còn là những dịch vụ giúp cho Hải Phòng phát huy thế mạnh của mình mà thật sự sẽ trở thành những động lực, nội lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế xã hội, tăng trưởng GDP, hiện đại hóa nền kinh tế, thúc đẩy sự lan tỏa cho tất cả các linh vực của thành phố Hải Phòng ra khu vực" - Bộ trưởng chia sẻ thêm
Từ góc độ của địa phương, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng chia sẻ, trong các năm gần đây, thành phố Hải Phòng là một điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế xã hội, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và đột phá, với GRDP hằng năm từ 14 - 16%, gấp hơn 2,5 lần bình quân chung của cả nước, có nhiều chỉ tiêu tăng trưởng từ 20 đến trên 25%, như chỉ số phát triển công nghiệp, xuất nhập khẩu và tổng đầu tư toàn xã hội. Đặc biệt, Hải Phòng hội tụ đầy đủ những yếu tố để phát triển ngành dịch vụ logistics.
Tại Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định Hải Phòng là thành phố đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là đầu mối phát triển của vùng Bắc Bộ, của cả nước, là trọng điểm dịch vụ logistics. “Việc tổ chức hội nghị ngày hôm nay, sẽ giúp chúng ta phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp phát huy lợi thế để phát triển dịch vụ logistics, để thành phố Hải Phòng sớm trở thành một trung tâm logistics của cả nước và quốc tế” - ông Nguyễn Văn Tùng bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng |
Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cũng nhận định, Hải Phòng là thành phố cảng quan trọng của khu vực phía Bắc và cũng là một trong những thành phố quan trọng bậc nhất của Việt Nam với hệ thống cảng biển được đầu tư xây dựng, phát triển từ rất sớm và được đánh giá luôn là địa phương đi đầu về phát triển các dịch vụ hàng hải và dịch vụ cảng biển tại khu vực phía Bắc, hệ thống cơ sở hạ tầng về cầu bến, kho bãi và hệ thống giao thông kết nối cảng biển ngày càng mở rộng và hiện đại.
Hiện nay, khu vực cảng biển Hải Phòng có 47 bến cảng với tổng chiều dài cầu bến hơn 11km, trong đó có một số bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu biển có trọng tải đến 55.000 tấn. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng về sản lượng hàng hóa và tàu thuyền thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng luôn đạt mức cao từ 10-15%. Hệ thống cảng biển Hải Phòng sẽ phát triển hướng tới quy mô hiện đại, làm đầu mối chính xuất nhập khẩu cho toàn bộ các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh của quốc gia lân cận giáp danh biên giới phía Bắc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh phía Bắc.
Giải quyết những điểm nghẽn trong logistics
Tuy đạt được các kết quả đáng ghi nhận, nhưng Hải Phòng cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế trong quá trình phát triển ngành logistics những năm qua. Mặc dù Hải Phòng là đầu mối quy tụ cả 5 phương thức vận tải, nhưng tính kết nối giữa các phương thức chưa cao. Công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau. Đặc biệt, quy hoạch quá nhiều cảng nhỏ tạo ra sự chia cắt, không tận dụng được hết lợi thế để nâng cao công suất khai thác. Hạ tầng kho tàng, bến bãi, trung tâm logistics phát triển mạnh trong thời gian qua, nhưng chưa có nhiều trung tâm logistics tiên tiến, đảm nhiệm nhiều chức năng, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Hạ tầng công nghệ thông tin chưa phát triển, chưa hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiến lên logistics 4PL, 5PL cũng như chưa giúp đẩy mạnh logistics cho thương mại điện tử. Chưa phát huy hết vai trò kết nối, trung chuyển hàng hóa cho các nước trong khu vực, nhất là nguồn hàng từ phía Nam Trung Quốc ra biển và ngược lại. Nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, gián tiếp ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics. Tất cả những yếu tố trên cũng là những nguyên nhân dẫn đến chi phí logistics của Việt Nam còn cao so với một số nước trong khu vực, gây ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển chung của nền kinh tế.
Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị, trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng cần tập trung chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để triển khai một số giải pháp trọng tâm. Cụ thể, thành phố cần ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 708/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt Kế hoạch cải thiện chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa trong việc phát huy tối đa lợi thế về kinh tế, công nghiệp dịch vụ và liên kết vùng, kết hợp công tác thu hút đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ logistics nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí logistics cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, tập trung ứng dụng trình độ khoa học công nghệ tiên tiến để tiếp tục phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng; cần khơi thông, phát triển thị trường cho logistics, tạo điều kiện để doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhanh chóng vươn lên, bắt kịp trình độ phát triển của thế giới; nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành logistics trong nước nói riêng và khu vực nói chung; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cắt bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến logistics…
Để góp phần phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng, hỗ trợ phát triển kinh tế quốc gia, kinh tế vùng, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, logistics đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh và là một ngành dịch vụ có nhiều tiềm năng đem lại giá trị gia tăng cao. Do đó, trong thời gian tới, Hải Phòng nên chú trọng đầu tư hạ tầng theo hướng hiện đại, thu hút doanh nghiệp mạnh, đào tạo nhân lực và đẩy mạnh cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp.
Mặt khác, các bộ, ngành cần tăng cường hỗ trợ Hải Phòng, trong đó, Bộ Tài chính đẩy nhanh triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cải cách cơ chế giám sát kiểm tra chuyên ngành; hoàn thiện chính sách về trung chuyển, quá cảnh… Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối thị trường logistics; phát triển mô hình logistics cho thương mại điện tử; cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp logistics…
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị |
Đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển dịch vụ cảng và vận tải biển, mở rộng hoạt động dịch vụ logistics, ông Lê Quang Trung cho rằng cần triển khai đầu tư xây dựng Bến 3, 4 cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương giao cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (thông qua Cảng Hải Phòng) được trực tiếp đầu tư 2 bến cảng và khu dịch vụ hậu cần logistics ở khu vực cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện. Với việc được đầu tư thêm 2 bến tại Lạch Huyện, luồng tàu vào cảng sâu -14m, Cảng Hải Phòng có cơ hội đón những con tàu lớn. Khi đó, cảng sẽ nhanh chóng giải phóng hàng hóa, phục vụ yêu cầu tốt nhất cho chủ hàng.
Bên cạnh đó, đầu tư hệ thống cảng cạn, trung tâm phân phối hàng hóa, trung tâm logistics phù hợp với năng lực và phù hợp với quy hoạch phát triển. Trong chiến lược phát triển, khu vực Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng) được xác định là vị trí chiến lược phát triển cảng nước sâu. Tổng công ty VIMC có chủ trương nghiên cứu việc đầu tư xây dựng các trung tâm phân phối hàng hóa, trung tâm logistics tại khu vực này để đón đầu xu thế hàng hóa dịch chuyển từ các cảng biển trong nội thành. Ngoài ra, các doanh nghiệp logistics cần kết nối có hiệu quả vận tải biển với các phương thức vận tải khác tại khu vực cảng biển Hải Phòng.
Mong muốn đưa Hải Phòng trở thành trung tâm cung cấp nguồn nhân lực logistics chất lượng cao cho cả nước, PGS.TS Lê Quốc Tiến, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam bày tỏ, cần kiên trì phát triển nguồn nhân lực giảng viên giảng dạy về logistics; thu hút các chuyên gia về logistics trong nước và quốc tế tham gia giảng dạy, đào tạo; liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, thực hành, thực tập; đầu tư, khuyến khích mở các chương trình đào tạo logistics từ các khóa ngắn hạn, cao đẳng, cử nhân, sau đại học, cấp các chứng chỉ quốc tế; tăng cường nghiên cứu khoa học, chuyên giao công nghệ phục vụ phát triển dịch vụ logistics…
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới đây đã xây dựng kế hoạch hành động tăng cường hơn nữa năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động logistics và đã ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn cụ thể. Chúng tôi tin tưởng rằng, Hải Phòng sẽ là một trong những trung tâm đi đầu của cả nước trong lĩnh vực khai thác, phát triển thế mạnh này để đóng góp mạnh mẽ hơn nữa cho logistics của cả khu vực và của cả nước, để chúng ta có được vị thế xứng đáng và phát triển một cách bền vững. |