Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn 4 vấn đề “nóng”
Tin hoạt động 11/06/2015 18:00
Nông sản hưởng lợi từ FTA
Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Thị Hương Sen (đoàn Hải Dương) về việc người dân, doanh nghiệp (DN) cần làm gì để khai thác lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, trước hết, các cơ quan Nhà nước phải thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền để DN, người dân hiểu rõ nội dung cũng như những thuận lợi, khó khăn của các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Với DN, khi đã nắm bắt được các thông tin, DN phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, có các giải pháp và lộ trình ứng phó với những khó khăn để tận dụng các lợi thế mang lại từ các hiệp định này, nhất là những DN sản xuất - kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ mà chúng ta không có nhiều lợi thế cạnh tranh.
“Lộ trình này là cần nhưng không thể kéo dài vì như thế sẽ trở thành trì trệ, làm mất năng lực cạnh tranh” – Bộ trưởng lưu ý.
Trước đó, giải trình nội dung liên quan đến đàm phán các FTA, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, khu vực nông nghiệp của nước ta chỉ làm ra 18% GDP nhưng có liên quan tới 70% dân số và khu vực này trong thời gian tới vẫn giữ vai trò quan trọng cấu thành nền kinh tế và ổn định xã hội. Do đó, một trong những nhiệm vụ trong tâm khi đàm phán các hiệp định thương mại là yêu cầu các đối tác đàm phán mở cửa và dành ưu đãi cho các mặt hàng Việt Nam có lợi thế, nhất là mặt hàng nông sản.
“Trong các hiệp định đã ký, chúng ta đã đạt được “lợi ích cốt lõi”- Bộ trưởng nói và lấy ví dụ từ FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu mới ký kết, trong đó, đối tác cam kết ngay trong năm đầu khi hiệp định có hiệu lực sẽ đưa thuế suất bằng 0% đối với tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường của liên minh này; đồng thời, giảm thuế tối đa đối với các sản phẩm khác, như: cà phê đóng gói dưới 3 kg; các mặt hàng gỗ; chè…
Tương tự, với các hiệp định thương mại khác, Việt Nam cũng đặt vấn đề ưu tiên mở cửa, dành ưu đãi cho các sản phẩm nông sản, ký kết nhiều hiệp định và biên bản thỏa thuận dài hạn về hợp tác thương mại đối với mặt hàng gạo với 8 nước với tổng khối lượng bình quân xuất khẩu sang các quốc gia này từ 5,5-5,7 triệu tấn gạo/năm.
“Đây là cơ sở rất quan trọng để chúng ta tiêu thụ gạo ổn định, bền vững trong dài hạn” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định thêm.
Giá điện: Hạn chế tối đa tác động bất lợi tới DN
Các đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang); Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận); Nguyễn Văn Minh (TP. Hồ Chí Minh) và Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) nêu câu hỏi về việc giá điện chỉ tăng mà không giảm; tiến độ, kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về thủy điện, quản lý, vận hành hồ thủy điện và công tác đưa điện lưới ra đảo.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, điện là một trong những hàng hóa đặc biệt. Mỗi khi điều chỉnh giá sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế và sinh hoạt của người dân. “Mỗi khi đứng trước yêu cầu cần điều chỉnh giá điện, cùng với Bộ Tài chính, chúng tôi đều hết sức băn khoăn nên luôn tính toán thận trọng với quan điểm điều chỉnh đảm bảo yêu cầu của cơ chế giá thị trường nhưng cũng hạn chế tối đa tác động bất lợi tới DN và người dân” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhắc lại, sau đợt điều chỉnh giá điện vào tháng 8/2013, đến tháng 3/2015 mới tiếp tục điều chỉnh. Việc điều chỉnh giá lần này nằm trong chủ trương đưa giá điện theo cơ chế giá thị trường trên cơ sở giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện và tỷ giá hối đoái theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Còn các yếu tố đầu vào khác có thể sẽ được xem xét, tính toán khi tăng giá điện nhưng không phải là yếu quyết định. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu, nếu điều chỉnh giá ở mức trên 10% thì phải báo cáo Chính phủ cho ý kiến.
“Bắt đầu từ năm 2014, giá bán điện mới cao hơn giá sản xuất, nhưng vẫn chưa đáp ứng nguyên tắc giá thị trường cũng như yêu cầu sản xuất, tái đầu tư của ngành điện. Năm 2016 sẽ thí điểm cơ chế bán buôn điện cạnh tranh và đến năm 2021 sẽ thực hiện bán lẻ điện cạnh tranh, khi đó, người sử dụng sẽ có quyền lựa chọn đơn vị bán điện” - Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận: Liên quan đến công tác trồng rừng thay thế, trước đây, trong quá trình xây dựng các thủy điện, chúng ta chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Để giải quyết, Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản, cơ chế, chính sách trong đó yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng thủy điện phải thực hiện trồng bù rừng. Nếu không thực hiện được hoặc không có quỹ đất để trồng rừng thì phải nộp tiền để ngành nông nghiệp tiến hành trồng rừng. “Với các dự án thủy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và một số doanh nghiệp khác thuộc ngành Công Thương, chúng tôi kiên quyết chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng, nếu không, chúng tôi sẽ xem xét xử lý nghiêm khắc” - Bộ trưởng khẳng định.
Công tác đầu tư đưa điện lưới quốc gia ra các huyện, xã đảo là chủ trương lớn được Chính phủ chỉ đạo thực hiện. Thời gian qua, chúng ta đã đưa điện lưới ra một số đảo, như: Cô Tô, Vân Đồn, Lý Sơn… Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trình Chính phủ cho phép đầu tư đưa điện về khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo.
Suy giảm xuất khẩu chỉ là nhất thời
Đại biểu Huỳnh Văn Tính (đoàn Tiền Giang) đặt câu hỏi: Suy giảm xuất khẩu những tháng đầu năm đáng lo ngại. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng nông sản không bán được, đổ đống. Thêm nữa, hàng giả, hàng nhái trong nông nghiệp ảnh hưởng không nhỏ đến bà con nông dân. Bộ Công Thương có giải pháp gì khơi thông xuất khẩu (XK), ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong nông nghiệp?
Theo Bộ trưởng, 5 tháng đầu năm, XK hàng hóa, đặc biệt là nông sản suy giảm. Ngoài ra, đối với một số thị trường xuất khẩu lớn (EU, Nhật Bản), tỷ giá đồng euro và đồng yên Nhật giảm nhiều so với đồng đô la Mỹ khiến các nhà nhập khẩu của những nước này phải mua hàng với giá cao hơn, dẫn đến sự cắt giảm nhu cầu hoặc yêu cầu giảm giá. Riêng với Việt Nam, tại một số thị trường, mặc dù Việt Nam vẫn duy trì được việc tăng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu, nhưng khi quy đổi về đô la Mỹ thì mức tăng lại không tương ứng, thậm chí còn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.
Dự báo xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản sẽ gặp khó khăn trong năm 2015 nên ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương và các bộ, ngành đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm khơi thông thị trường xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản, góp phần hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.
Cụ thể: Bộ Công Thương thường xuyên duy trì công tác xúc tiến thương mại dưới nhiều hình thức; thực hiện tăng cường công tác thông tin thị trường đối với các mặt hàng thủy sản và gạo; ưu tiên phê duyệt các đề án xúc tiến thương mại đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nỗ lực đưa các mặt hàng nông sản xuất khẩu thâm nhập vào các thị trường mới...
Đối với hàng giả, hàng nhái trong nông nghiệp, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng và các địa phương tích cực phòng chống. Bộ trưởng cam kết: “Chúng tôi sẽ phối hợp với Ban Chỉ dạo 389 làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, trong đó có mặt hàng phân bón và vật tư nông nghiệp”.
Đại biểu Trần Khắc Tâm (đoàn Sóc Trăng) chất vấn cụ thể về việc tiêu thụ hành tím và dưa hấu: “Ai có lỗi và chịu trách nhiệm trước việc dưa hấu và hành tím ế ẩm thời gian qua?”.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, hành tím 80% được XK sang Indonesia nhưng cuối năm 2014, do nước bạn thay đổi chính sách cũng như khuyến khích trồng hành tím trong nước nên đã hạn chế nhập khẩu. Trong khi đó, việc nắm bắt thông tin này chậm nên đã dẫn đến dư thừa. Bộ trưởng khuyến nghị các địa phương cần quy hoạch trồng hành tím hợp lý, tránh tình trạng cung vượt quá cầu.
Giá xăng dầu đã theo sát giá thị trường
Trả lời câu hỏi của đại biểu Thân Đức Nam (đoàn TP. Đà Nẵng): Việc điều hành giá xăng dầu hiện nay không theo cơ chế thị trường do Nhà nước vẫn quản lý giá. Bộ Công Thương có tham mưu cho gì cho Chính phủ để điều hành giá xăng dầu sang cơ chế thị trường? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, giá xăng dầu đang được thực hiện theo Nghị định 83/204/NĐ-CP. Dù có ý kiến chưa thống nhất nhưng việc điều hành giá xăng dầu hiện nay đã theo sát giá thị trường. Bên cạnh đó, trong điều hành giá xăng dầu cũng có sử dụng một số công cụ tài chính nhằm bảo đảm lợi ích của người dân, doanh nghiệp...
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, giá cơ sở xăng dầu gồm chi phí định mức, lợi nhuận định mức. Đây là khoản chi phí mà người tiêu dùng phải gánh chịu. Vậy giá xăng dầu đã minh bạch hay chưa? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp thu ý kiến này: Nghị định 83 bên cạnh mặt tích cực còn có mặt cần xem xét, nghiên cứu và nếu cần thiết, sẽ sửa đổi cho phù hợp.
Bổ sung ý kiến của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích thêm: Giá xăng dầu hiện nay là theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Nhà nước quy định công thức tính giá cơ sở. Giá cơ sở gồm giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày, chi phí vận chuyển, thuế, tỷ giá ngoại tệ, chi phí kinh doanh định mức (vận chuyển nội địa, khấu hao, tài chính, quản lý, bảo quản...). Lợi nhuận định mức là 300 đồng. Bộ Tài chính sẽ rà soát chi phí đầu vào của DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích giữa DN – Nhà nước và người tiêu dùng.