“Bỏ túi” vài kinh nghiệm khi đi lễ Bà Chúa xứ Núi Sam
Tình hình an ninh trật tự nơi đây được cho là vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, mặc dù ngành chức năng địa phương đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó. Để tránh những tình huống và sự cố đáng tiếc, nhiều du khách và người làm nghề đưa rước khách đã chia sẻ kinh nghiệm cho người dân khi đi lễ.
Đồ lễ nên chuẩn bị trước
Dọc các tuyến đường dẫn vào miếu Bà, các cửa hàng bán đồ lễ bày ra san sát. Nhân viên bán hàng tràn ra đường, đứng giữa dòng người tấp nập, luôn miệng quảng cáo, mời mọc, chèo kéo khách ghé mua. Chị Trần Ngọc Yến, chủ một cơ sở kinh doanh đến từ quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ cho biết: “Có nhiều năm đi lễ nên tôi rõ, không phải cơ sở nào cũng bán đúng giá đâu. Cũng là những đồ lễ phổ biến như vàng mã, hoa đèn, trái cây nhưng họ đều nhìn mặt và nghe giọng nói của khách để định giá”.
Chèo kéo, mời chào du khách mua chim phóng sinh ở khu vực Núi Sam |
Theo chị Yến, người bán hàng tận dụng tâm lý đa số khách rất ngại chuyện trả giá khi mua sắm đồ lễ nên cứ vô tư hét giá. “Ngay cả mình cũng vậy, sắm lễ dâng Bà là việc làm liên quan đến… tâm linh nên mua sắm gì cũng ngại mặc cả”, chị Yến nói.
Cũng vì ngại mặc cả khi mua sắm đồ lễ, ông Vũ Tiến Thành, dẫn đầu một đoàn khách từ Hà Nội vào miền Tây du xuân đã phải ngậm đắng chi tiền. Ông Thành bức xúc: Do tin vào lời lẽ có vẻ… thật thà của người bán hàng, tôi đồng ý mua 1 đĩa 5 loại trái cây cùng cặp nến, nén hương và xấp vàng mã để họ đưa vào miếu đặt lễ. Vừa đặt xong họ thu tiền luôn, tất cả hơn 600.000 đồng”.
Anh Nguyễn Văn Tiến - Lái xe khách tuyến Cần Thơ – Châu Đốc - chia sẻ: Mất tiền như ông Thành như vậy còn đỡ, khách của tôi đưa lên đây phần lớn là từ ngoài Bắc vô và miền Đông xuống, nhiều người còn bị chặt chém “cay” hơn. Tôi hay nhắc nhở mọi người, mình có tâm, có lòng đi viếng Bà và xin lộc, cầu tài nhưng phải chú ý việc mua đồ lễ. Tốt nhất là chuẩn bị trước hoặc mua sẵn dọc đường. Đối với lễ vật có giá trị lớn như heo quay, càng không nên lên tới chỗ mới mua vì giá cao, có khi còn gặp phải trường hợp mua đi bán lại nhiều lần.
Nâng cao ý thức tự bảo vệ mình
Anh Tiến cho rằng đối với những nơi tập trung quá đông người như khu vực miếu Bà Chúa xứ Núi Sam trong những ngày này, du khách không nên chủ quan hoặc trông chờ vào ai cả mà hãy nâng cao ý thức tự bảo vệ mình. Đặc biệt đừng quá tin những lời quảng cáo trên mây của những người bán các món hàng phong thủy, đông y vì nếu mua, trả giá kiểu gì cũng “hố”.
Khách đến du xuân, viếng Bà Chúa xứ kéo dài đến hết tháng Giêng. |
Anh Nguyễn Việt Hưng, tài xế taxi ở TP. Châu Đốc lưu ý thêm: Vào khu vực lễ viếng, du khách đừng có thấy người ta chỉ ghế mời ngồi hay đưa trái cây, bánh trái, vàng mã gọi là “phát lộc” mà vô tư đón nhận. Mọi thứ đều quy ra tiền hết, không trả thì… mệt mỏi lắm.
Mua sắm, đi lại nên đi cùng người thân quen để có gì trông chừng, bảo vệ nhau chứ không tách đoàn. Anh Hưng kể, trong ngày mùng 3 Tết Quý Mão vừa rồi, khách của anh cũng vì xuống xe mua sắm đồ lễ cho cả đoàn, xongi lên xe rời đi mới hay sắp tiền cầm trên tay hơn 6 triệu đồng không cánh mà bay.
Du khách chen chân trong Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam |
Theo Ban Quản trị Lăng miếu Núi Sam, dịp đầu năm nay lượng du khách đến viếng miếu Bà Chúa xứ Núi Sam tăng cao hơn các năm trước. Trong những ngày Tết, mỗi ngày trung bình miếu Bà đón hơn 65.000 lượt khách. Lượng khách đổ về từ nay đến hết tháng Giêng tuy có sụt giảm nhưng cũng không ngớt, cả ban ngày và ban đêm.
Tượng Bà Chúa xứ Núi Sam lúc nào cũng được chăm chút chu đáo, đẹp đẽ |
Để góp phần phục vụ du khách thuận tiện, an toàn, Ban Quản trị Lăng miếu Núi Sam đã tăng cường hơn 100 lực lượng làm công tác hướng dẫn, bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh khu vực.