Tuy nhiên, năm 2011 sẽ vẫn là năm khó khăn đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi Chính phủ quyết tâm kiềm chế lạm phát, kế hoạch tăng trưởng tín dụng dưới 23% sẽ gây khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Xu hướng của các doanh nghiệp có vốn FDI năm 2010 có mức tăng trưởng cao, xấp xỉ 40%. Đây là một yếu tố đáng lưu ý của bức tranh xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2010.
Tình hình xuất nhập khẩu năm 2010
Năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 71,6 tỷ USD tăng 25,5% so với năm 2009, về giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 14,5 tỷ USD. Năm 2010 là năm thành công của các doanh nghiệp xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài đạt 38,8 tỷ USD (tính cả dầu thô) tăng 27,8% so với năm 2009 và chiếm 54,2% tổng kim ngạch của cả nước, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 32,8 tỷ USD tăng 22,7% so với năm 2009.
Nhiều mặt hàng trong năm 2010 tăng mạnh về số lượng xuất khẩu, giúp duy tăng trưởng xuất khẩu và thể hiện được quy mô mở rộng sản xuất. Lượng hàng công nghiệp tăng lên đã góp phần bù đắp cho lượng hàng khoán sản, dầu thô giảm mạnh (dầu thô và than đá giảm 3,8 tỷ USD). Giá xuất khẩu năm 2010 của nhiều mặt hàng cũng tăng mạnh, trong đó nhiều mặt hàng được hưởng lợi từ tăng giá thế giới như gạo, cà phê, cao su, dầu thô, than….một số hàng hóa tăng giá khá do hàm lượng chế biến tăng lên như dệt may, thủy sản, gỗ, dây và cáp điện,…
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có xu hướng tăng ở ngành công nghiệp chế tạo và hàng hóa có hàm lượng chất xám cao. Tỷ trọng hàng hóa ngành công nghiệp chế biến so với 2009 tăng mạnh từ 63,4% lên 67,9%, nhóm khoáng sản giảm từ 15,2% xuống 11,1%,…
Về nhập khẩu năm 2010 của cả nước ước đạt 84 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2009, về giá trị tương đương tăng 14 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 47,5 tỷ USD chiếm 56,6% tổng kim ngạch tăng 8,3% so với năm 2009, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 36,5 tỷ USD chiếm 43,4% tổng kim ngạch và tăng 39,9% so với năm 2009.
Nhập siêu cả nước ước đạt khoảng 12,3 tỷ USD, thấp hơn so với dự báo từ đầu năm 13,5 tỷ USD bằng 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đạt mục tiêu Chính phủ đã đề ra.
Một số hàng hóa cần nhập khẩu giảm khá mạnh năm qua là clinker giảm 38%, xăng dầu giảm 28,6%, khí đốt hóa lỏng giảm 14%, phân bón giảm 22%, thép các loại giảm 10%, ô tô nguyên chiếc giảm 45%,…chủ yếu do sản xuất trong nước phần nào đáp ứng được nhu cầu.
Kết quả một số ngành
Thủy sản: Trong những tháng cuối năm, sức tiêu thụ thủy sản của các nước phương Tây thường tăng đáng kể để phục vụ Lễ Noel và Tết dương lịch. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2010 đạt 4,93 tỷ USD tăng 16,5% so với 2009. Năm 2011, ngành thủy sản dự kiến sẽ giảm sản lượng xuất khẩu từ 600,000 tấn năm 2010 xuống còn 300.000 – 350.000 tấn.
Gạo: Theo số liệu của Bộ Công thương, xuất khẩu gạo năm 2010 có thể đạt khoảng 6,8 triệu tấn, trị giá xuất khẩu 3,2 tỷ USD. Năm 2011 dự kiến đạt khoảng 5,5 – 6 triệu tấn, hiện lượng gạo tồn kho còn khoảng 800.000 tấn. Giá gạo xuất khẩu ngày càng tăng cao với giá hiện tại khoảng 511 USD/tấn.
Cà phê: Giá cà phê trên thế giới hiện nay đang tăng cao trở lại.. Xuất khẩu cả năm 2010 theo số liệu của Bộ Công thương đạt khoảng 1,76 tỷ USD, sản lượng xuất khẩu khoảng 1,17 triệu tấn.
Cao su: Theo số liệu của Bộ Công thương, khối lượng cao su xuất khẩu năm 2010 có thể đạt khoảng 783 ngàn tấn với kim ngạch đạt hơn 2,37 tỷ USD, tăng gấp 2 lần về trị giá.
Gỗ: Những điều kiện thuận lợi về giá cả, nguồn cung, đơn hàng hàng xuất khẩu, cùng với khoảng thời gian cuối năm, khi xuất khẩu đồ gỗ ngoài trời bước vào mùa vụ, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam có triển vọng tiếp tục tăng cao. Theo ước tính của Hiệp hội Gõ và Lâm sản Việt Nam, xuất khẩu gỗ cả năm 2010 có thể vượt kế hoạch và đạt 3,2 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2009.
Theo ÔngNguyễn TônQuyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗvà Lâm sản Việt Nam, năm 2011 sẽ thay đổi cách làm từ việc bán hàng theo giá FOB sang giá CIF để tăng lợi nhuận, sẽ cho một số doanh nghiệp thí điểm để rồi nhân rộng mô hình
Dệt may: Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2010 của ngành dệt may sẽ đạt khoảng 11 tỷ USD. Năm 2011 dự báo ngành Dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 13,1 – 13,2 tỷ USD.
Với những thành công đáng khích lệ mà xuất khẩu đã đạt được trong năm qua, phần nào đã làm giảm bớt nhập siêu vốn đang là vấn đề đối với nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, theo đánh giá, năm 2011 sẽ là năm khó khăn hơn đối với xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Kế hoạch xuất khẩu năm 2011 đạt khoảng 78,8 tỷ USD
Trong buổi giao ban, nhiều Hiệp hội cho biết đã bày tỏ khó khăn khi tiếp cận vốn của các doanh nghiệp để phục vụ quá trình sản xuất. Trong khi đó, với chỉ đạo của Chính phủ về nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011 là ổn kịnh kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đồng thời đưa ra mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2011 là dưới 23%. Như vậy đồng nghĩa với việc, tín dụng năm 2011 sẽ thắt chặt hơn, đây sẽ là điều khó khăn về vốn hơn nữa cho các doanh nghiệp sản xuất.
Chỉ tiêu mà Quốc hội thông qua và Chính phủ giao cho ngành Công thương về xuất nhập khẩu năm 2011
Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đạt 10% so với thực hiện năm 2010, tương đương kim ngạch đạt 78,8 tỷ USD.
Nhập siêu hàng hóa năm 2011 không vượt quá 18% so với tổng kim ngạch xuất khẩu, tương đương 14,18 tỷ USD.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2011 đạt 10% và kiểm soát được nhập siêu không vượt quá 18%. Bộ Công thương đã kiến nghị tiếp đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, rà soát và đàm phán sâu hơn đối với các thỏa thuận ưu đãi về thuế quan giữa Việt Nam và các nước.
Triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển xuất khẩu, thương mại trong nước, thương mại miền núi,….
Tập trung nâng cao công tác dự báo về sản xuất, thị trường và các điều kiện thương mại làm cơ sở cho việc chỉ đạo sản xuất, xuất khẩu,…
Ngân hàng Nhà nước các giải pháp đồng bộ về tài chính – tiền tệ để giảm lãi suất trong quý 1 năm 2011 xuống mức hợp lý, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Cung cấp vốn lãi suất ưu đãi để thu mua tồn trữ một số hàng nông sản xuất khẩu (café, hạt điều, hạt tiêu) đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, có lượng hàng tồn kho lớn để giữ giá, tránh thiệt hại cho người dân, tránh bị nước ngoài ép giá.
Hỗ trợ thanh khoản và vốn cho tổ chức tín dụng phù hợp với mục tiêu kinh tế và tiền tệ, diễn biến thị trường.
Đề nghị các NHTM nâng hạn mức tín dụng cho xuất khẩu, dành ưu tiên cho các doanh nghiệp vay mua hàng hóa xuất khẩu.
Theo Cafef