Cũng theo Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Nghệ An, thêm 1 địa phương mới xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm này là Yên Thành. Trước đó, có 18 địa phương ở Nghệ An đã có trâu, bò nhiễm bệnh bao gồm: Quỳ Hợp, Cửa Lò, Nam Đàn, Thanh Chương, Quế Phong, Con Cuông, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Diễn Châu, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai, TX Thái Hòa, Quỳ Châu, Đô Lương và TP. Vinh.
Bò bị bệnh viêm da nổi u cục |
Như vậy, thời điểm này dịch viêm da nổi cục đã lan đến 19/21 địa phương (hiện chỉ còn 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương chưa xuất hiện dịch) và đã khiến 1.500 con trâu, bò nhiễm dịch. Tổng số bò, bê, nghé phải tiêu hủy trên địa bàn đến nay là trên 108 con, tổng trọng lượng trên 18 tấn.
Cụ thể các huyện có ổ dịch nhiều bao gồm: Diễn Châu, Nghi Lộc (14 ổ dịch/huyện); Nghĩa Đàn 10 ổ dịch, Đô Lương 9 ổ dịch. Một số ổ dịch có tổng số con mắc bệnh nhiều, diễn biến phức tạp như xã Vĩnh Sơn (Anh Sơn), phường Quỳnh Xuân (TX Hoàng Mai)...
Nếu như đến ngày 31/3, huyện Diễn Châu mới có 11 xã bùng phát dịch viêm da nổi cục trâu, bò thì đến ngày 5/4, dịch đã lây lan mạnh tại 25 xã với 111 con bị bệnh. Hiện nay, bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện tại 25 xã với 44 thôn, 87 hộ. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và các địa phương đã tiến hành tiêu hủy 6 con trâu, bò tại các xã Diễn Yên, Diễn Đoài, Diễn Phú. Sở NN&PTNT đã cung cấp 950 lít hóa chất tiêu độc khử trùng tại các vùng dịch trên địa bàn huyện, đồng thời hướng dẫn thú y các xã cách phòng dịch, tránh lây lan và điều trị cho những trâu, bò bị bệnh. Đồng thời, tiến hành tiêm được 950 liều vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trâu, bò.
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An, hiện lực lượng thú y tại các địa phương đang tiêm phòng đồng loạt cho đàn trâu, bò, đặc biệt là ưu tiên cho những xã đang có dịch để hạn chế lây lan trên diện rộng. Mặc dù vậy, với tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh lên đến 750.000 con thì hiện số lượng vaccine chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ. Nguyên nhân là do đây là loại vaccine mới, phải nhập khẩu từ nước ngoài (Thổ Nhĩ Kỳ) nên lượng vaccine trên toàn quốc nói chung và Nghệ An nói riêng không nhiều.
Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Nghệ An - cho biết, Chi cục đang tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp, mời các huyện thực hiện huy động mọi nguồn lực để triển khai phòng, chống dịch. Người dân cần khai báo sớm khi phát hiện trâu, bò có dấu hiệu bất thường để khoanh vùng chữa trị. Cần huy động người dân bỏ tiền để mua vaccine cho đàn trâu, bò; mua hoá chất, khử khuẩn bằng vôi và các loại thuốc diệt ruồi muỗi, côn trùng tránh lây nhiễm.
"Nguyên nhân chủ yếu khiến dịch lây lan mạnh là do các hộ bị dịch chưa tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quyết liệt trong việc kiểm tra, giám sát quá trình giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc; việc thả rông trâu bò vẫn xả y ra thường xuyên trong vùng dịch khiến virut lây từ con ốm sang con khỏe dễ dàng...", ông Quỳnh nói.
Chi cục Thú y Nghệ An khuyến cáo, người dân cần tuân thủ 6 không: Không bán chạy gia súc ốm yếu; không vứt xác chết gia súc ra ngoài môi trường; không giết mổ làm thịt những con vật ốm yếu, ăn thịt những con có dấu hiệu mắc bệnh; không cho lợn ăn những thức ăn thừa thải từ nhà hàng và không dùng nước ao, hồ chưa qua xử lý.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An đã phân bổ trên 200.000 liều vaccine viêm da nổi cục để các địa phương đồng loạt tiêm phòng. Tỉnh Nghệ An cũng đã cấp 13.000 lít hóa chất để phun tiêu độc khử trùng toàn tỉnh. |