Buôn bán tôm hùm đất, mức phạt tối đa là bao nhiêu?
Nghe quảng cáo, mua ăn thử
Những ngày gần đây, tôm hùm đất từ Trung Quốc tràn sang chợ Việt bán với giá 360.000 - 400.000 đồng/kg. Theo một chủ cửa hàng chuyên kinh doanh đồ đông lạnh tại Hà Nội, do nhu cầu thị trường khách mua nhiều nên cửa hàng đã nhập về để bán mà không biết thông tin mặt hàng này đang bị cấm. Hàng tươi sống được đóng sẵn vào túi lưới, sau đó cho vào thùng xốp có đá lạnh về Việt Nam qua đường cửa khẩu, khách mua có thể được giao hàng tại nhà, lấy nhiều có thể thả bể nuôi ăn dần.
Tôm hùm đất 'đổ bộ' chợ mạng |
Dù đã giảm 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng theo chủ các cửa hàng hải sản, giá loại này đang đắt hơn tôm sú, càng và tôm bạc của Việt Nam và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Không chỉ các mặt hàng tôm hùm đất tươi sống hoặc xông nhiệt cấp đông, các mặt hàng chế biến sẵn cũng được bày bán nhan nhản trên chợ mạng. Thông thường, 1 set tôm hùm đất 0,75kg được đóng họp, quảng bá chế biến sẵn, vừa ngon, vừa tiện lợi chỉ cần quay lò vi sóng mấy phút thì có thể dùng ngay được luôn và có giá 120.000 – 150.000 đồng/1 set.
‘Thường xuyên lướt mạng xã hội, thấy nhiều bạn trẻ quảng bá tôm hùm đất thấy màu sắc bắt mắt, và được quảng cáo khi nấu chín có màu đỏ vô cùng hấp dẫn, thịt chắc và ngọt. Khách có thể mua về làm món tôm hùm xốt bơ tỏi, xốt me hoặc xào cay… nên đặt thử để ăn’, chị Thu Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay.
Như vậy, dù đã bị đưa vào danh mục cấm nhập khẩu 10 năm nay, nhưng tôm hùm đất, loài động vật ngoại lai nguy hại cho nông nghiệp vẫn được chào bán công khai trên mạng và ngay tại các cửa hàng thủy sản.
Theo Điều 246, Bộ Luật Hình sự năm 2017, người vận chuyển hoặc phát tán trái phép động vật, thực vật ngoại lai xâm hại, hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ gây hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, thế nhưng, nhiều người dân không nắm được, vẫn bất chấp lợi nhuận, bán tràn lan trên mạng, thậm chí lập cả hội nhóm công khai.
Không quản lý chặt, lo ngại giống ốc biêu vàng
Trước thông tin cho rằng tôm hùm đất là loài cho thịt thơm ngon hơn cả tôm sú, TS Nguyễn Quang Huy - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I - cho rằng, tôm càng đỏ chỉ có 30% thịt và 70% vỏ, hàm lượng thịt và dinh dưỡng không cao hơn hay ngon hơn tôm sú, tôm thẻ chân trắng của Việt Nam đang có. Nhiều người ăn tôm càng đỏ vì lạ miệng, lâu dần sẽ chán. Tôm hùm đất không có giá trị kinh tế cao.
Còn theo ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm hùm nước ngọt) có tên khoa học là Procambarus clarki. Chúng có tên trong phụ lục 2 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Cục Thủy sản không cấp phép cho bất cứ cơ sở nào nhập vào Việt Nam, hàng bán trên mạng là hàng nhập lậu.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - thông tin, /chu-de/tom-hum-bong.topic đất có tên khoa học là Procambarus clarki. Loại tôm này có tên trong Phụ lục 2 Loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại ban hành kèm theo thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành năm 2018.
Tôm hùm đất sống cũng không có tên trong Phụ lục VIII Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam - ban hành kèm theo Nghị định số 26 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
TS. Bùi Quang Tề - chuyên gia thủy sản - cho hay, tôm hùm đất từng được nuôi thử nghiệm tại tỉnh Phú Thọ năm 2012, nhưng chất lượng thịt tôm khá ít, không đạt về hiệu quả kinh tế. Sau đó, xác định đây là loài sinh vật ngoại lai nguy hại cho môi trường sinh thái, các nhà khoa học đề nghị không nhân giống phát triển ở nước ta. Loại tôm hùm này ăn tạp, có thể cạnh tranh thức ăn với các loại thủy sản nuôi trồng khác.
Có thời điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải ra công văn hoả tốc yêu cầu các tỉnh, thành và cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, truy quét tôm hùm đất. Nếu phát hiện phải tiêu huỷ ngay, đồng thời xử nghiêm các hành vi buôn bán để tránh phát tán loại sinh vật ngoại lai này ra môi trường.
Theo các chuyên gia thuỷ sản, tôm hùm đất có thể trở thành đại họa của ngành nông nghiệp. Bởi tập tính của chúng là sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm. Chúng có thể đào hang trú ẩn sâu 100-200cm, sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ 0-37 độ C.
Việt Nam là quốc gia có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, liên quan đến sinh kế của hàng chục triệu hộ nông dân. Thực tế, bài học ốc bươu vàng vẫn còn đó. Sau nhiều năm, đến nay chúng ta vẫn không thể tiêu diệt được loại ốc này.
Một số chuyên gia ngành thuỷ sản cảnh báo, tôm hùm đất có thể gây ra thảm họa tàn phá không khác gì ốc bươu vàng. Nếu không đủ thức ăn, loài này sẽ xơi sạch rau màu, thậm chí chúng còn ăn cả gỗ, làm biến dạng môi trường sống.
Màu sắc bắt mắt, lại theo trend các nền tảng mạng xã hội quảng bá, khiến tôm hùm đất dù bị cấm nhập khẩu vẫn bị thẩm thấu vào thị trường và lo ngại những hệ lụy không nhỏ. Với thói quen đào hang sâu đến 2m, nước ta nguy cơ sẽ lại có thêm loài “chuột” mới. Đặc biệt, khi tôm hùm đất sinh sôi nảy nở với số lượng lên tới hàng trăm triệu hay hàng tỷ con, nếu chúng đều thi nhau đào hang, ăn sạch các loại thuỷ sinh... sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Do đó, cần kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán loại sinh vật ngoại lai này ngay từ biên giới.
Theo điều 246, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại như sau: 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá từ 250.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc trong trường hợp vật phạm pháp trị giá dưới 250.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; b) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên; c) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên; d) Tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Như vậy, đối với tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại thì mức phạt tù cao nhất lên đến 07 năm. |