Dịch Covid- 19 xuất hiện, các cơ quan chức năng tăng cường lực lượng, lập thêm chốt kiểm soát người nhập cảnh và chống buôn lậu, do đó thuốc lá thẩm lậu qua biên giới Tây Nam so với trước giảm mạnh. Tuy nhiên, khi biên giới được bịt chặt bởi lực lượng kiểm soát, nguồn cung thuốc lá lậu giảm dẫn đến giá thuốc lá nhập lậu trong nước tăng cao, đã kích hoạt hoạt động buôn lậu với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Theo Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, mỗi năm thị trường trong nước hứng chịu trên dưới 1 tỷ gói thuốc lá nhập, trong đó chiếm 80 - 90% nguồn hàng lậu tuồn vào từ biên giới Tây Nam, chủ yếu là thuốc Jet, Hero và 555.
Tại các điểm bán lẻ thuốc lá ở khu vực TP. Hồ Chí Minh, thuốc lá Hero giá 26.000 đồng/gói, thuốc Jet 30.000 đồng/gói; mức tăng giá tương ứng là 6.000 đồng và 10.000 đồng/gói. Thuốc lá nhập lậu tăng giá khủng, lợi nhuận cao là ngòi nổ để kích hoạt buôn lậu thuốc lá gia tăng.
Tây Ninh có khoảng 240 km đường biên giới giáp Campuchia, để phòng chống dịch Covid- 19, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh mới lập thêm 30 chốt, nâng lên 159 chốt, duy trì 34 tổ tuần tra cơ động, hoạt động cùng với 16 trạm và 21 điểm cảnh giới có từ trước. Tuy vậy thuốc lá vẫn thẩm lậu vào thị trường nội địa.
Đơn cử, đêm 17/5/2021, cơ quan chức năng đã bắt quả tang Võ Văn Tèo (ngụ tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) vận chuyển bằng ô tô 1.400 gói thuốc lá nhập lậu. Từ Võ Văn Tèo, cơ quan chức năng bắt giữ Lê Trọng Tâm (ngụ tại xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) vận chuyển bằng ô tô 1.490 gói thuốc lá nhập lậu. Hai đối tượng này khai nhận chở thuê thuốc lá lậu cho một số đầu mối ở tỉnh Long An, nguồn hàng lấu từ một người đàn ông ở khu vực biên giới thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đưa về Long An tiêu thụ.
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh vừa tổ chức tiêu hủy 254.602 gói thuốc lá gồm Jet, Hero, 555, Esse, Craven A…đã được các lực lượng chống buôn lậu tỉnh Tây Ninh thu giữ từ tháng 8/2020 đến tháng 3/2021. Số hàng lậu được tiêu hủy cho thấy, thuốc lá vẫn tiếp tục tuồn vào thị trường nội địa, bất chấp sự truy quét quyết liệt của các cơ quan chống buôn lậu của địa phương này.
Theo ông Hồng Văn Hoàng - Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tây Ninh, mặc dù các cơ quan chức năng gần đây đã tăng cường kiểm soát, xử lý hoạt động buôn lậu trên biên giới và kinh doanh trên địa bàn những thuốc lá nhập lậu vẫn tồn tại, chủ yếu hoạt động lén lút, chia nhỏ hàng để vận chuyển, cất dấu và kinh doanh.
Cơ quan chức năng bắt giữ thuốc lá nhập lậu qua biên giới Tây Nam |
Vào thời điểm này, tại địa bàn Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang thuốc lá ;ậu vẫn tiếp tục tuồn được qua biên giới. Các cơ quan chức năng phát hiện hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới gần đây đã biến tướng nhiều hành vi tinh vi, khó kiểm soát. Các đối tượng buôn lậu thuê cư dân biên giới chẻ nhỏ những bao hàng lậu đưa qua biên giới trong đêm tối, tổ chức cất dấu tại những địa điểm vắng người lại qua. Cư dân biên giới được thuê trộn lẫn thuốc lá lậu với hàng hóa hợp pháp đưa qua biên giới; dùng ghe thuyền đánh bắt cá trên biển, sông rạch để đưa thuốc lá vào thị trường nội địa. Thuốc lá lậu sau khi vượt qua biên giới được những đối tượng khác thu gom và dùng ô tô du lịch 4 chỗ, 7 chỗ vận chuyển thuốc lá đến các thành phố lớn tiêu thụ.
Khi nguồn cung khan hiếm, thuốc lá giả sản phẩm sản xuất trong nước xuất hiện, điều này càng gây nguy hiểm cho người sử dụng. Theo Cục QLTT tỉnh Phú Yên, từ ngày 11-13/5/2021, các Đội QLTT đã phát hiện 6 cửa hàng tạp hóa, kinh doanh dịch vụ nước giải khát tại huyện Sông Hinh, TP. Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa thuộc tỉnh Phú Yên bày bán thuốc lá giả nhãn hiệu 555 và CravenA.
Tại 6 điểm kinh doanh này, lực lượng QLTT đã thu giữ 954 gói thuốc lá giả nhãn hiệu CravenA và 1.353 gói thuốc lá giả hiệu 555. Tại thời điểm kiểm tra, người bán hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số thuốc lá này. Cục QLTT tỉnh Phú Yên và đại diện hai nhãn hàng thuốc lá nói trên xác nhận, hai loại thuốc lá nhãn hiệu CravenA và 555 bị bắt giữ là sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, đây là thuốc lá nhập lậu, chủ yếu từ biên giới Tây Nam.
Tại Long An, vào tháng 9 và tháng 10/2020, cơ quan chức năng cũng đã bắt giữ 3 vụ vận chuyển 12.890 gói thuốc lá nhập lậu, trong đó có 2.500 gói nhãn hiệu Craven A và 1.000 gói nhãn hiệu 555 dán tem sản phẩm thuốc lá sản xuất trong nước. Ông Phạm Đức Chinh - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Long An cho rằng, việc thuốc lá nhập lậu dán tem thuốc lá sản xuất hợp pháp trong nước là hành vi nguy hiểm nhằm mục đích “hợp thức hóa” hàng lậu và cản trở, gây khó khăn trong việc xác minh nguồn gốc hàng lậu của các cơ quan chức năng để xử lý.