Đó là khẳng định của GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh- Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam.
Vừa qua, hình ảnh người dân tại TP. Hồ Chí Minh đã phóng sinh Cá hải tượng long ra môi trường đã gây phản ứng mạnh mẽ trong xã hội, bởi đây là loài cá có trọng lượng khá lớn và khả năng “tiêu diệt” những sinh vật bản địa làm thức ăn của nó, điều này dấy lên lo ngại sự hủy hoại môi trường và đa dạng sinh học mà loài cá này gây ra.
Để tìm hiểu rõ vấn đề trên phóng viên Vuasanca đã có cuộc phỏng vấn GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh- Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam-Nhà khoa học hàng đầu Việt Nam trong trong lĩnh vực đa dạng sinh học và cũng là người Việt Nam đầu tiên được vinh danh Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho rằng Cá hải tượng long là sinh vật ngoại lai nguy hại. Ảnh do GS cung cấp |
Thưa GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Cá hải tượng long có được coi là sinh vật ngoại lai xâm hại không?
Theo quy định tại khoản 18, 19 Điều 3 Luật Đa dạng sinh học năm 2008 thì có thể hiểu: Sinh vật ngoại lai xâm hại là sinh vật xuất hiện và phát triển ở khu vực vốn không phải là môi trường sống tự nhiên của chúng, lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển.
Để đưa vào danh mục các sinh vật ngoại lai xâm hại theo Luật thì cần phải có những nghiên cứu khoa học làm rõ sinh vật đó xâm hại môi trường và suy giảm đa dạng sinh học như thế nào? Làm triệt tiêu các sinh vật bản địa ra sao….? Từ đó mới có đủ căn cứ khoa học để quyết định đưa một loài vào danh sách theo quản lý của Luật Đa dạng sinh học, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên là loài cá nước ngọt khổng lồ và lớn nhất thế giới đến từ lưu vực sông Amazon Nam Mỹ, với đặc tính sinh học khi trưởng thành Cá hải tượng long có kích thước có thể đạt chiều dài từ 2 – 5 mét, cân nặng 100-200kg và chuyên ăn các loài động vật như cá nhỏ, côn trùng, ếch nhái, cua... thì theo tôi đây là loại sinh vật ngoại lai xâm hại.
Cá hải tượng long khi còn nhỏ được nhiều người mua về làm cá cảnh |
Vậy ông nhìn nhận như thế nào về việc phóng sinh Cá hải tượng long ra môi trường vừa qua của người dân tại TP.Hồ Chí Minh?
Phóng sinh là việc làm tốt, tuy nhiên việc tốt đó chỉ có ý nghĩa khi một con vật được chúng ta bỏ tiền ra mua về rồi chăm sóc cho khỏe mạnh và trả về môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, việc phóng sinh là sinh vật ngoại lai xâm hại đến môi trường sống của sinh vật bản địa thì sẽ không còn là việc tốt nữa.
Sinh vật ngoại lai khi được thả vào môi trường tự nhiên mới nó sẽ hoạt động rất mạnh do nó không phải sinh vật bản địa nên để sinh tồn được trong môi trường mới nó sẽ hủy diệt các loài sinh vật khác như: tảo, rong, cua, cá nhỏ… Do chuỗi tuần hoàn thức ăn có trong tự nhiên sẽ mất đi, điều này sẽ tác động và ảnh hưởng đến nhiều loài sinh vật khác có trong khu vực đó và đa dạng sinh học của vùng sông, hồ đó sẽ bị ảnh hưởng, hệ sinh thái sẽ bị suy giảm.
Đứng về luật pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành một Thông tư hướng dẫn loài nào được phóng sinh, loài nào cần loại bỏ. Tổng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp cũng đã ban hành sách hướng dẫn các loài phóng sinh sẽ là tăng nguồn lợi thủy sản (41 loài) và những loài không được phóng sinh.
Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới cũng đã khuyến cáo và ngăn ngừa các loài ngoại lai xâm hại sinh vật bản địa, làm giảm các nguồn lợi thủy sản, suy giảm môi trường, đa dạng sinh học… điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống và sinh kế của người dân.
Do Cá hải tượng long chưa có trong danh mục sinh vật ngoại lai xâm hại/nguy cơ xâm hại theo Thông tư 35, vậy theo ông chúng ta sẽ phải có giải pháp như thế nào cho vấn đề này?
Trước hết đối với người dân phải ngừng ngay lại hoạt động thả sinh vật ngoại lai ra môi trường. Các cơ quan truyền thông phải vào cuộc để tuyên truyền đến người dân hiểu tác hại của các loài sinh vật ngoại lai.
Các cơ quan chính quyền phải vào cuộc và có biện pháp kiểm soát, quản lý, rõ ràng là loài không được kinh doanh nhưng chúng ta vẫn cho nhập khẩu vậy vấn đề này cần phải xem xét lại.
Việt Nam là nước có hệ sinh thái và đa dạng sinh học cao, chúng ta cần phải bảo vệ nghiêm ngặt, thập kỷ này (2020-2030), các tổ chức bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên quốc tế đã lên tiếng kêu gọi là Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái, do vậy các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng ở Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ không để sinh vật ngoại lai xâm hại xâm nhập vào trong nước và làm suy giảm nguồn gen, suy giảm hệ sinh thái.
Tôi khẳng định rằng Cá hải tượng long ở trên thế giới được coi là sinh vật hủy hoại môi trường. Theo tôi cần phải ngăn ngừa loài cá này không để xâm nhập vào môi trường của Việt Nam.
Hiện trong Nghị định, Thông tư của chúng ta còn có một số thiếu sót, chúng ta chưa có thống kê được hết những sinh vật nào gây huy hiểm, công tác quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường còn hạn chế. Do vậy, thời gian tới phải có nghiên cứu khoa học về loài Cá hải tượng long này tại môi trường nước ngọt của Việt Nam, để từ đó làm căn cứ khoa học để đưa vào danh mục cấm nhập khẩu, cấm thả ra môi trường.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Theo Nghị định 26 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn Luật Thủy sản thì Cá hải tượng long không thuộc danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và không thuộc danh mục loài ngoại lai xâm hại và danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại theo quy định tại Thông tư số 35 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. |