Các ‘đại gia’ nước ngoài liên tục mở cửa hàng mới, doanh nghiệp bán lẻ nội không đứng ngoài ‘cuộc chơi’
Doanh nghiệp liên tục mở cửa hàng
Vừa qua, thông tin một số chuỗi bán lẻ nước ngoài như UNIQLO, Victoria’s Secret, AEON… mở các cửa hàng tại Việt Nam tiếp tục cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội cũng không đứng ngoài “cuộc chơi” này.
FPT Shop khi ngày đầu tháng 8 đã khai trương cùng lúc 10 cửa hàng điện máy tại TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: FPT Shop) |
Đơn cử, FPT Shop khi ngày đầu tháng 8 đã khai trương cùng lúc 10 cửa hàng điện máy tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành như: Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang..., khẳng định thị trường có thêm một chuỗi cửa hàng điện máy, đồ gia dụng mới.
Danh mục sản phẩm FPT Shop bán tại các cửa hàng điện máy rất đa dạng, từ tivi, tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt đến đồ gia dụng của hàng chục thương hiệu lớn, quen thuộc với người tiêu dùng. Đáng chú ý, trong cửa hàng điện máy của FPT cũng có một khu vực nhỏ bán điện thoại, máy tính, thiết bị công nghệ... giống hệt các cửa hàng Điện Máy Xanh của Thế Giới Di Động.
Ông Nguyễn Việt Anh - Phó Tổng giám đốc FPT Retail, cho rằng việc chào sân cùng lúc 10 cửa hàng điện máy đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược đầu tư và phát triển lĩnh vực điện máy, gia dụng của công ty. Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng, nâng số cửa hàng điện máy lên 50 cửa hàng trong năm 2024.
Cũng có những động thái tương tự FPT Shop, những ngày gần đây, fanpage tuyển dụng của Bách Hóa Xanh liên tục cập nhật thông tin mở mới cửa hàng. Chỉ tính riêng trong tháng 7, Bách Hoá Xanh đã mở 7 cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh. Trong tháng 8 cũng dự kiến có 7 cửa hàng mới mở tại TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương và Đồng Nai. Con số này cao hơn khá nhiều so với tháng 5, tháng 6 chỉ 2-3 cửa hàng mỗi tháng.
Báo cáo tài chính ghi nhận nửa đầu năm 2024, Bách Hoá Xanh có doanh thu 19.400 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, chuỗi lần đầu tiên có lãi gần 7 tỷ đồng kể từ khi ra mắt thị trường năm 2015.
Trong năm nay, Bách Hoá Xanh đưa ra kế hoạch mở mới 100 cửa hàng, rộng ra miền Trung, miền Bắc. Hiện Bách Hóa Xanh có hơn 1.700 cửa hàng hoạt động.
Đây không phải lần đầu tiên, các ông lớn bán lẻ ngành hàng công nghệ thông tin - truyền thông nhảy vào kinh doanh mảng gia dụng, điện máy. Năm 2021, Digiworld cũng bắt đầu mở bán tivi và mở rộng danh mục mặt hàng sang tủ lạnh, máy giặt vào năm 2022.
Hiện nay, mảng kinh doanh điện máy, đồ gia dụng là sân chơi chủ yếu của các hệ thống lớn như: MediaMart, Điện Máy Xanh, Điện máy Chợ Lớn, HC.
Trong khi đó, Thế Giới Di Động, đối thủ lớn nhất mảng bán lẻ điện thoại của FPT Shop, đã thành công từ lâu với mảng điện gia dụng, với chuỗi cửa hàng Điện Máy Xanh.
Với hệ thống Wincommerce, dự kiến chuỗi bán lẻ này sẽ đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng trong nửa cuối năm 2024 với khoảng 100 cửa hàng minimart mới trong mỗi quý, tương đương với việc mỗi ngày mở trung bình 1 cửa hàng, hướng đến mục tiêu có 4.000 cửa hàng vào cuối năm nay.
Nỗ lực chinh phục thị trường
Theo số liệu thống kê, thị trường bán lẻ và dịch vụ Việt Nam đã tăng trưởng 10% trong năm 2023, đạt 6,23 triệu tỷ đồng, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng gần 8% mỗi năm. Bán lẻ vẫn hấp dẫn dù kinh tế khó khăn, người tiêu dùng chi tiêu thắt chặt thế nào.
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.098,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023. Sự hồi phục đáng kể của tổng mức bán lẻ trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng được phản ánh rõ nét qua kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng.
Một số nhà bán lẻ nội địa có tiềm lực như WinCommerce, Bách Hóa Xanh, FPT Shop,... đang đẩy mạnh kế hoạch mở mới cửa hàng trong bối cảnh thị trường hàng tiêu dùng của Việt Nam được dự báo sẽ có những hồi phục tích cực hơn vào những tháng cuối năm.
Trong báo cáo ngành bán lẻ, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) dự báo, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tăng trưởng 12,05%/năm trong giai đoạn 2023 - 2027, nhờ các yếu tố tích cực về dân cư, thu nhập, mức độ sử dụng Internet và các thiết bị thông minh.
“Miếng bánh” bán lẻ được dự báo có giá trị lên tới 163,5 tỷ USD vào năm 2027, với những ngành hàng nổi bật là tiêu dùng, thiết bị điện tử, công nghệ và trang sức.
Báo cáo của SSI Research hồi đầu năm nay kỳ vọng, doanh thu của doanh nghiệp bán lẻ điện thoại, điện máy sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2024, sau khi giảm tới 20-25% trong năm 2023.
Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam cũng chứng kiến tốc độ người dân thuộc tầng lớp trung lưu và tỷ lệ dân cư thành thị gia tăng nhanh chóng trong những năm vừa qua. Những yếu tố trên đã khiến cho Việt Nam trở thành thị trường rất hấp dẫn cho các nhà bán lẻ.
Đặc biệt, xu hướng mua sắm dù được cho là đã thay đổi, người mua hàng không còn tập trung vào cửa hàng truyền thống mà đẩy mạnh mua online qua các nền tảng. Do đó, theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ cấn tiếp tục tập trung đầu tư chuyển hướng phát triển, mở rộng kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, đáp ứng thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Đây không chỉ là giải pháp phát triển hợp xu thế, mà sự phát triển này còn giúp doanh nghiệp đối phó với gánh nặng chi phí mặt bằng, tiết kiệm… dồn nguồn lực để tập trung sản xuất và phục hồi.