Ngày càng nhiều “dòng sông chết” bên cạnh các dự án FDI |
Từ những dự án tỷ USD
Năm 2017, vốn FDI vào Việt Nam đạt 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ 2016; giải ngân đạt 17,5 tỷ USD, tăng cao nhất từ trước đến nay. Năm 2006, chúng ta bắt đầu thực hiện chủ trương phân cấp toàn diện cho địa phương cấp phép và quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài. Chủ trương quan trọng này đã phát huy hiệu quả khi nhiều địa phương đồng loạt “trải thảm đỏ” đón các nhà đầu tư và kết quả là những con số tăng trưởng ấn tượng theo từng năm về số lượng dự án, vốn đăng ký, vốn giải ngân, tạo việc làm, nộp ngân sách… của khối FDI. Các tỉnh tiêu biểu, liên tục tăng trưởng ngoạn mục trong thu hút FDI phải kể đến: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nam, Thanh Hóa, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh…
Kết thúc năm 2017, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tiếp tục công bố danh sách dài các dự án FDI với những đại dự án cả tỷ USD, như: Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (Thanh Hóa), tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD của nhà đầu tư Nhật Bản; Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (Khánh Hòa) do Nhật Bản đầu tư với vố đăng ký 2,58 tỷ USD; Dự án Samsung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh hay Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore bỏ vốn…
... Đến nỗi lo môi trường
Bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận trong nỗ lực thu hút vốn FDI, các chuyên gia trong và ngoài nước đã chỉ ra nhiều hạn chế, trong đó đáng tiếc nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường. Điển hình như sự cố môi trường biển do Dự án Formosa tại Hà Tĩnh gây ra; sự cố Vedan Việt Nam “bức tử” sông Thị Vải; Miwon Việt Nam bị xử phạt vì xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép; Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam bị niêm phong xưởng nhuộm vì xây dựng và xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường hay Nhà máy giấy Lee& Man bị phát hiện gây ô nhiễm…
Sở dĩ có tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng, là do sự cạnh tranh hút vốn FDI với nhiều ưu đãi, thậm chí ưu đãi vượt khung; thiếu năng lực trong thẩm định cấp phép với dự án FDI, đặc biệt thiếu cơ chế kiểm soát về môi trường, thẩm định chỉ mang tính hình thức, tập trung nhiều vào khâu tiền kiểm mà chưa chú ý hậu kiểm… đã khiến nhiều dự án FDI bộc lộ những bất cập. Bên cạnh đó, trình độ quản lý đầu tư hạn chế (đặc biệt là với những dự án quy mô lớn, công nghệ phức tạp), cùng với việc kiểm soát không chặt chẽ về môi trường của các địa phương, cơ quan chức năng đã dẫn tới nhiều vụ việc doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kéo dài. Không ít địa phương, vì mục tiêu thu hút đầu tư đã ồ ạt, cấp phép cho các dự án FDI đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường.
Để khắc phục, các chuyên gia khuyến nghị, cần kiểm soát chặt dự án FDI ngay từ khi thẩm định, cấp phép và giám sát chặt trong quá trình triển khai. “Tới đây, Chính phủ cần siết chặt kỷ luật, đặt ra rào cản cho các lĩnh vực có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, cần có sự giám sát chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm trong thẩm định, giám sát các dự án để bảo đảm an toàn môi trường” - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khuyến nghị.
TS. Lương Văn Khôi - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia: Quốc hội cần thành lập đoàn giám sát việc nhập khẩu thiết bị, máy móc của các dự án, tránh nhập khẩu thiết bị không đạt chuẩn gây ảnh hưởng tới môi trường. |