Các hộ trồng mía nằm trong số những người nghèo nhất
Mía trồng nhiều ở vùng núi
- Mới đây, Báo Công Thương Điện tử đã tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam”.
Diện tích trồng mía chủ yếu ở vùng núi và đất xấu
Ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Cục trưởng, Cục Chế biến, Thương mại - Nông lâm sản và nghề muối - Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cho biết: Xuất xứ của mía là cây xóa đói giảm nghèo, vì đa phần diện tích nguyên liệu mía được trồng ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đất có độ dốc cao, đất xấu, bạc màu. Trong hơn 400.000 hộ với hơn 1 triệu lao động, chủ yếu trong số này là lao động sống ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế có thể nói người trồng mía chủ yếu là nông dân nghèo. Theo ông Đỗ Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, đất trồng quy hoạch cho trồng mía ở miền Trung và cả vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ đều thuộc loại đất khô cằn. “Đất trồng những cây khác không thể hiệu quả, thì người dân mới trồng mía và những người trồng mía hầu hết đều xuất thân từ những người nghèo nhất” - ông Liêm khẳng định và lấy ví dụ như ở Khánh Hòa, hiện nay vùng mía ở đây có diện tích lớn hơn vùng lúa, nhưng người trồng mía đều là cư dân của chương trình kinh tế mới sau năm 1975. Người đân đến vùng đất này lập nghiệp trên cơ sở vùng đất nghèo dinh dưỡng, tầng canh tác sỏi đá, họ chắt chiu thu nhập từ cây mía, để bảo đảm cuộc sống và cho con em học hành.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Khánh Hòa trồng mía cũng khá nhiều, vì vùng nguyên liệu mía nằm ở các huyện: Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Ninh Hòa, đây đều là vùng núi và vùng dân tộc thiểu số: Raglay, Cơ Ho, M‘Nông, Chăm.
Ở miền Bắc, đất trồng mía trải dài từ Nghĩa Đàn - Nghệ An, đến vùng đất Thanh Hóa, như Nông Cống, hay vùng Lam Sơn - với doanh nghiệp Anh hùng làm mía đường Công ty đường Lam Sơn (Thanh Hóa) cũng chủ yếu là đất xấu, đất dốc 15 - 20 độ…
Trong chuỗi giá trị làm ra một cân đường, 75% giá trị nằm ở bà con nông dân. Từ đặc điểm trên, Hiệp hội mía đường Việt Nam chỉ đạo, hướng đầu tư của mía đường là nhằm tới nông dân, để bảo đảm nông dân thoát nghèo, nếu không sẽ không đảm bảo nguồn nguyên liệu. Vì bài toán quan trọng nhất của ngành mía đường chính là nguồn nguyên liệu.
Cơ bản thoát nghèo, nhưng thu nhập vẫn thấp
Tại buổi giao lưu, ông Hòa cũng cho biết: Hiện cả nước có 40 nhà máy hoạt động với tổng công suất thiết kế là 132.900 tấn mía/ngày. Niên vụ 2012 - 2013, các nhà máy ép 16,4 triệu tấn mía, sản xuất được 1,510 triệu tấn đường, trong đó đường luyện là 700.000 tấn. So với quy hoạch, ngành mía đường đã cơ bản đạt được chỉ tiêu về diện tích mía, các chỉ tiêu còn lại đang dần tiệm cận để đạt được vào năm 2020. Tuy nhiên, hiện lượng đường tồn kho của các doanh nghiệp trong nước ở mức cao, hơn 500.000 tấn.
Việc tồn kho cao này ảnh hưởng không chỉ doanh nghiệp sản xuất đường, mà trực tiếp cả 400.000 hộ gia đình.
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, ngành mía đường có những đặc điểm khác nhiều ngành. Đó là các doanh nghiệp đều gắn bó với nông dân, người sản xuất nguyên liệu nuôi sống nhà máy. Niên vụ 2012 - 2013, tuy giá đường thấp hơn so với vụ năm trước 2.000 - 3.000 đồng/ki-lô-gam, nhưng giá mua mía vẫn giữ mức trên dưới 1 triệu/tấn, (tương đương khoảng 50 đô-la/tấn), trong khi giá mía của Thái lan là 30,7 đô-la/tấn đối với loại mía 10 chữ đường. Đây là mức giá cao nhất trong khu vực. Nếu không mua với giá này, người dân sẽ không trồng mía và nhà máy đường sẽ không có nguyên liệu sản xuất.
Trước tình hình khó khăn hiện nay, các cây sắn, cao su lúa gạo đều hạ giá và khó khăn, nhưng cây mía thì “ổn” hơn. Hiện nay, đồng bào trồng mía hầu hết thoát nghèo, tuy nhiên thu nhập vẫn thấp nhiều so với mức bình thường. Do đó, cần phải có những giải pháp căn cơ, để nâng cao “sức khỏe” cho người trồng mía. Biện pháp cải thiện về giá để nâng cao thu nhập cho nông dân trồng mía, không phải là tối ưu. “Giải pháp căn cơ nhất phải giải quyết là tổ chức lại sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng và cải tạo giống mía, để làm sao trên 1 héc - ta thu được cao hơn, chứ lấy giá để bù vào đời sống thì là hạ sách, vì giá thành sản phẩm mía đường cao hơn khá nhiều so với khu vực, tiêu thụ đang khó khăn”- ông Hòa nhấn mạnh.
Thanh Hà Thúy