Các mặt hàng thiết yếu cần có sự quản lý của Nhà nước
Tin hoạt động 06/09/2015 08:06
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trả lời tại họp báo
Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp, thương mại đã được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện chức năng thuộc Bộ Công Thương trả lời thoả đáng.
Đảm bảo an ninh năng lượng
Trả lời những băn khoăn về các biện pháp đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương khẳng định, để đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học E5, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, Bộ Công Thương cũng đã triển khai rất nhiều biện pháp, hoạt động để thúc đẩy tiêu thụ xăng sinh học E5. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 (QĐ 53) ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống do Bộ Công Thương trình dự thảo. Bộ Công Thương cũng áp dụng một loạt các biện pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học E5 như: Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành kiểm tra các doanh nghiệp, các tỉnh, thành phố theo QĐ 53 là ưu tiên triển khai giai đoạn 1 gồm 7 tỉnh, thành phố và sau đó là mở rộng các tỉnh tiếp theo. Cho đến cuối tháng 6/2015, các số liệu báo cáo chi tiết kế hoạch thực hiện giai đoạn 1, Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Chính phủ. Và đây cũng là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ ban hành vừa qua.
Ông Nguyễn Phú Cường cũng nhấn mạnh, Bộ Công Thương đã áp dụng nhiều hoạt động để đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học E5. Trong đó bao gồm một gói các giải pháp từ khâu cung cấp nguồn cho đến các hoạt động phối hợp địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cũng như hoạt động phân phối của các nhà bán lẻ để làm sao đáp ứng, thực hiện đầy đủ lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt tại QĐ 53.
Về nguồn cung, theo tính toán của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, hiện Việt Nam tiêu thụ xấp xỉ 5 triệu tấn xăng/1 năm. Với 4 nhà máy sản xuất được nhiên liệu ethanol như hiện có thì hoàn toàn có thể cung cấp đủ lượng xăng sinh học ra thị trường. Tuy nhiên, vấn đề đang tạo ra sức ép khá lớn đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất ethanol là giá nguyên liệu xuống thấp trong thời gian vừa qua tạo sức ép về giá đối với DN sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đánh giá được tình hình đảm bảo nguồn cung không bị đứt đoạn thì Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các DN đảm bảo dự trữ được nguồn cung để thực hiện được lộ trình nhiên liệu phối trộn sinh học theo QĐ 53 của Chính phủ.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, về vấn đề xăng sinh học, Chính phủ hết sức quan tâm, Thủ tướng Chính phủ mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng đã nhiều lần họp để có những chỉ đạo chi tiết về vấn đề này. Khi dự thảo ban hành Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu thì trong đó cũng đã đưa ra việc đối với Quỹ bình ổn xăng dầu, xăng E5 luôn thấp hơn xăng khoáng (xăng A92) 300 đồng để ít nhất sự chênh lệch giữa xăng sinh học E5 và xăng A92 là 300 đồng.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, một trong những vấn đề chúng ta cần cần quan tâm chính là là an ninh năng lượng. Điều hành xăng dầu không chỉ có vấn đề về giá mà vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước, Chính phủ là đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo xăng dầu cho tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của đất nước. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lý giải, theo điều hành xăng dầu, trong trường hợp giá tiếp tục giảm nếu không có quản lý của Nhà nước thì nhiều DN không nhập xăng vì cứ nhập bán là lỗ. Nhưng hiện nay, theo cách quản lý thì yêu cầu DN phải có 30 ngày dự trữ tồn kho để luôn đảm bảo an ninh năng lượng.
Đảm bảo cung ứng điện
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về việc Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) bị lỗ do biến động tỷ giá, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (ĐTĐL) cho biết, nói chung đối với các DN có hợp đồng vay vốn ngoại tệ, đầu tư, chi phí mua nguyên vật liệu thì đều bị ảnh hưởng do biến động của tỷ giá. Khi tỷ giá có biến động, Cục ĐTĐL đã yêu cầu các đơn vị phát điện trong đó có cả TKV tính toán ảnh hưởng của tác động chênh lệch tỷ giá. Đây là công việc thường xuyên của các đơn vị phát điện bắt buộc phải báo cáo hàng quý. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có những biến động mạnh về tỷ giá nên các đơn vị đã báo cáo sớm hơn và khi các đơn vị có báo cáo lên, Cục ĐTĐL sẽ cân đối khả năng chịu đựng của DN cũng như ảnh hưởng đến chi phí bán lẻ như thế nào để có đề xuất cụ thể. Trường hợp có chênh lệch lớn, Cục ĐTĐL sẽ có thảo luận với Bộ Tài chính, qua đó có đề xuất với lãnh đạo hai Bộ: Công Thương và Tài chính hướng giải quyết chênh lệch tỷ giá cho phù hợp. Ông Đinh Thế Phúc cũng cho biết, Cục ĐTĐL cũng đang tổng hợp báo cáo từ các đơn vị vì vậy chưa có đề xuất cụ thể đối với lãnh đạo hai Bộ liên quan đến chênh lệch tỷ giá cũng như việc tính toán sự chênh lệch này vào giá thành điện.
Chia sẻ về biểu giá bản lẻ điện, ông Đinh Thế Phúc nhấn mạnh, theo quy định của Luật Điện lực thì biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục ĐTĐL đã phối hợp cùng với EVN tính toán các phương án cải tiến giá bán lẻ điện, EVN cũng đã báo cáo lãnh đạo Bộ trong tháng 8 và lãnh đạo Bộ cũng đã có chỉ đạo yêu cầu EVN trong tháng 9 tổ chức hội thảo ở cả 3 miền lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các DN và nhân dân về các phương án cơ cấu biểu giá bán lẻ, sau đó tổng hợp lại thành Đề án để báo cáo Bộ Công Thương trong tháng 10. Cục ĐTĐL có trách nhiệm là đơn vị chủ trì tập hợp trình lãnh đạo Bộ phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ về biểu giá bán lẻ điện.
Đối với thông tin về việc có khả năng thiếu điện, ông Đinh Thế Phúc cho biết, ngay từ đầu năm, Cục ĐTĐL cũng đã có kế hoạch về đảm bảo cung cấp điện. Thực tế trong 8 tháng vừa qua, việc cung ứng điện vẫn đảm bảo, đặc biệt cả trong thời tiết nắng nóng, khô hạn cũng đã vượt qua. Việc có khả năng thiếu khoảng 5 tỷ kWh so với kế hoạch như đầu năm về nguồn thủy điện như EVN báo cáo thì đây là số liệu cập nhật đến cuối tháng 8. Vì thế từ nay đến cuối năm sẽ có những thay đổi. Còn trong trường hợp thiếu 5 tỷ kWh điện thì Cục ĐTĐL cũng đã có phương án huy động các nguồn nhiệt điện. “Bởi hiện nay ngoài thủy điện chúng ta cũng có nguồn nhiệt điện có dự phòng khá nên việc cung cấp điện sẽ đảm bảo việc cung ứng điện cho phát triển kinh tế, xã hội”- Ông Đinh Thế Phúc nhấn mạnh.
Áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng bột ngọt
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã chia sẻ với báo chí những thông tin liên quan đến Việt Nam điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng bột ngọt. Theo đó, ông Nguyễn Phương Nam cho biết, những cuộc chuẩn bị khởi xướng điều tra khi chưa có quyết định điều tra chính thức theo quy định của pháp luật thì Cục Quản lý cạnh tranh không được tiếp xúc và trao đổi các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là quy định của luật pháp Việt Nam và quy định của các tổ chức thương mại thế giới. Ông Nguyễn Phương Nam cũng cho hay, ngày 1/9/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chính thức ban hành. Vedan là một nguyên đơn có đủ tỷ lệ phần trăm trên thị trường theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, còn có doanh nghiệp Ajinomoto là một bên ủng hộ. Như vậy, toàn bộ hồ sơ liên quan đến vụ việc kiến nghị, đề nghị áp dụng biện pháp tự vệ đã đầy đủ, phù hợp với quy định của Pháp lệnh tự vệ cũng như phù hợp với Hiệp định tự vệ của WTO. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phương Nam cũng cho biết, chưa thể nói mức thuế áp dụng sẽ là bao nhiêu bởi theo quy định Pháp lệnh tự vệ thì quá trình điều tra không quá 6 tháng và tùy theo mức độ phức tạp của vụ việc có thể gia hạn thêm không quá 2 tháng. Trong quá trình điều tra Cục Quản lý cạnh tranh phải nắm bắt các số liệu, dữ liệu, có những vụ việc phải điều tra tại chỗ các bên có liên quan, v.v… Để tổng hợp được các dữ liệu đó, đơn vị điều tra phải tính toán mức độ áp dụng tự vệ làm sao nền sản xuất trong nước được phục hồi trở lại và hoạt động sản xuất bình thường. Vì vậy chưa có con số chính xác sẽ áp dụng thuế như thế nào vì phải để các điều tra viên nắm bắt đầy đủ các số liệu và tính toán đầy đủ biên độ, mức độ tự vệ…
Ông Nguyễn Phương Nam nhấn mạnh, hi vọng rằng, trong vòng 6 tháng sau khi khởi xướng điều tra, chúng ta sẽ có được số liệu đầy đủ. Còn mức độ khi áp dụng tự vệ hàng bột ngọt nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc và các thị trường khác có được giảm bớt hay không thì với kinh nghiệm đã khởi xướng điều tra và áp dụng một số biện pháp phòng vệ thương mại gồm có chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, ông Nguyễn Phương Nam cho rằng, khi áp dụng các biện pháp tự vệ thì đều có phần đóng góp tích cực để phục hồi sản xuất trong nước.