Các nước Arab siết chặt trừng phạt kinh tế mới đối với Qatar
Qatar đang bị thế giới Arab tẩy chay vì những cáo buộc liên quan tới tài trợ khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tại khu vực Trung Đông. Ảnh Internet |
Ngoại trưởng 4 quốc gia Arab tẩy chay Qatar đã nhóm họp tại thủ đô Manama của Bahrain, nhằm tìm kiếm sự đồng thuận chung trong việc bổ sung cơ chế trừng phạt vào nền kinh tế Qatar nhằm gia tăng sức ép buộc Doha phải thực hiện những yêu cầu của họ.
Tuy vậy, bốn nước Arab cũng sẵn sàng mở cho Qatar cơ hội đối thoại để giải quyết tranh chấp nếu Doha đồng ý với những yêu cầu nhất định. "Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Qatar với điều kiện họ lập tức ngừng việc tài trợ khủng bố và chủ nghĩa cực đoan cũng như cam kết không can thiệp vào các vấn đề đối ngoại của các quốc gia khác", Ngoại trưởng Bahrain Sheik Khalid bin Ahmed Al Khalifa tuyên bố tại buổi nhóm họp.
Ngoại trưởng Bahrain Sheik Khalid bin Ahmed Al Khalifa tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Qatar nếu Doha đồng ý với những yêu cầu nhất định. Ảnh Internet |
Tuần trước, nhóm nước 4 quốc gia Arab đã liệt 18 cá nhân và thực thể liên quan đến Qatar vào danh sách khủng bố.
Những diễn biến kể trên cho thấy, nỗ lực xoa dịu cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay do Kuwait cũng như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hòa giải chưa đem lại kết quả.
Hôm 5/6, các nước Vùng Vịnh do Saudi Arabia dẫn đầu đã bất ngờ tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar và cáo buộc nước này tài trợ khủng bố. Các nước đưa ra bản danh sách yêu cầu Qatar thực hiện nếu muốn giải quyết khủng hoảng ngoại giao. Danh sách này bao gồm việc Doha ngừng hỗ trợ cho tổ chức Anh em Hồi giáo, đóng cửa một căn cứ quân sự và kênh truyền hình Al Jazeera, hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran...
Các quốc gia Arab gây sức ép lên Qatar (màu vàng) thông qua biện pháp đóng cửa biên giới đường bộ, hàng không và biển, qua đó cắt đứt nguồn cung cấp lương thực tới nước này. Ảnh Internet |
Mới đây, Saudi Arabia đã thực thi chính sách gây sức ép lên quốc gia láng giềng thông qua việc đóng cửa biên giới trên bộ với Qatar, trong bối cảnh cả bốn nước đều cắt đứt liên lạc bằng đường hàng không và đường biển đối với Doha, cắt đứt nguồn cung cấp lương thực trọng yếu tới quốc gia này. Các nước này đến nay vẫn coi đây là biện pháp hữu hiệu buộc Qatar phải thay đổi chính sách của mình.
Trước hoàn cảnh nền kinh tế Qatar gặp khó khăn do bị trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã cung cấp cho nước này lương thực thực phẩm, các mặt hàng tươi sống, gia cầm và sữa để bù đắp lượng thiếu hụt.
Bất chấp sức ép ngày một gia tăng, đến nay chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy, Chính phủ Qatar “xuống thang” chịu đáp ứng đầy đủ những yêu sách của 4 quốc gia Arab vừa nêu. Thậm chí, Ngoại trưởng Qatar từng khẳng định, danh sách yêu cầu mà các quốc gia Arab đưa ra là "được tạo ra để bị từ chối".