Các sáng kiến hòa bình ở Ukraine phải dựa trên thực tế; ông Trump sẵn sàng đưa Nga-Ukraine vào bàn đàm phán
“Bất kỳ cuộc đàm phán nào có thể dẫn đến hòa bình đều phải phản ánh tình hình thực tế”, kênh truyền hình Polsat dẫn lời ông Severa nói khi bình luận về các báo cáo về đề xuất từ nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ /chu-de/donald-trump.topic nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine.
Theo ông, nhiều chuyên gia nhận định, sẽ “cực kỳ khó khăn để Ukraine lấy lại các vùng lãnh thổ đã mất”. Hiện khó có thể mong đợi xung đột kết thúc hoặc các cuộc tấn công đột phá của Ukraine do những thành công hiện tại của lực lượng vũ trang Nga.
Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 47 của Mỹ. Ảnh: AP |
“Thật khó để mong đợi sự chấm dứt các hành động tấn công từ các bên. Trong khi Nga đang đạt được tiến bộ trên mặt trận nhằm đẩy lùi quân đội Ukraine”, ông Severa nhấn mạnh.
Trước đó, Wall Street Journal đưa tin về kế hoạch của các trợ lý của ông Trump nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine. Theo ấn phẩm, các cố vấn của đảng Cộng hòa đề xuất thành lập khu phi quân sự dài 1,3 nghìn km dọc theo chiến tuyến hiện tại.
Đồng thời, Ukraine phải cam kết không gia nhập NATO trong ít nhất 20 năm. Để đổi lấy điều này, Washington sẽ cung cấp vũ khí cho Kiev.
Ông Trump sẵn sàng đưa Nga và Ukraine vào bàn đàm phán
Hãng tin AP dẫn lời phát ngôn viên Karoline Leavitt từ đội ngũ của ông Trump cho hay, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có ý định đưa Nga và Ukraine vào bàn đàm phán ngay ngày đầu tiên nhậm chức.
Theo bà, sau khi đắc cử, ông Trump sẽ có cơ hội đàm phán một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine.
“Đảng Cộng hòa dự định đưa Nga và Ukraine vào bàn đàm phán vào ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống mới để chấm dứt cuộc chiến này”, bà Leavitt nói.
Trước đó, có thông tin cho rằng, ông Trump sẽ đảo ngược mệnh lệnh của chính quyền ông Biden và ký hàng chục sắc lệnh liên quan trong tuần đầu tiên sau khi chính thức nhậm chức.
Mới đây, Washington Post hôm 10/11 dẫn một số nguồn tin cho biết, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin vào hôm 7/11 để thảo luận về cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Đây là cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Trong cuộc gọi từ khu nghỉ dưỡng ở bang Florida, ông Trump đã khuyên nhà lãnh đạo Nga không leo thang tình hình ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh về sự hiện diện quân sự đáng kể của Mỹ tại châu Âu. Tổng thống đắc cử Mỹ bày tỏ mong muốn tổ chức thêm các cuộc đàm phán để tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng cho cuộc xung đột tại Ukraine.
Washington Post cho hay, cuộc điện đàm diễn ra mà không có sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao hoặc thông dịch viên của chính phủ Mỹ, vì đội chuyển tiếp của ông Trump chưa ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Ngoại giao. Chính phủ Ukraine được cho là đã được thông báo trước về cuộc gọi và không có ý kiến phản đối. Các quan chức Ukraine từ lâu đã hiểu rằng ông Trump có thể tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến ở Ukraine thông qua các cuộc đàm phán với Nga.