Các thỏa thuận ASEAN+: Tác động tích cực đến thương mại
Khi tham gia các FTA, hàng hóa XK của Việt Nam sẽ được hưởng lợi.
- Thúc đẩy xuất khẩu là tác động lớn nhất và quan trọng nhất mà các FTA mang lại. Thông qua các FTA, phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam đã, đang và sẽ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Thực tế cho thấy, AEC và các FTA đã góp phần tăng nhanh giá trị xuất khẩu giữa Việt Nam với ASEAN và với các đối tác của ASEAN. Trong giai đoạn 2006- 2012, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Niu Di-lân và Ấn Độ (các đối tác ASEAN+) tới hơn 20%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung (khoảng 15%). Do hiệu ứng của FTA, diện mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang một số đối tác, như ASEAN, Ấn Độ và Nhật Bản đã đa dạng hơn. Nhìn chung, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam đều có khả năng hưởng lợi từ AEC và các FTA ASEAN+.
Việc chủ động tham gia các FTA sẽ giúp Việt Nam cân đối và bảo vệ được lợi ích trong nước. Ví dụ: Hàng nông sản, thủy sản là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nên khi đàm phán các FTA, Việt Nam thường đề nghị các đối tác mở cửa nhanh cho những mặt hàng này. |
AEC và các FTA ASEAN+1 đã có tác động tích cực tới việc mở rộng thị phần của hàng Việt Nam trên các thị trường có liên quan, rõ nhất là tại các nước ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản. Thị phần của hàng Việt Nam trên các thị trường này đã tăng đột biến và giữ được sức tăng ổn định ngay sau khi các FTA có hiệu lực. Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chủ động và tích cực hơn trong việc tận dụng các ưu đãi về thuế trong các FTA. Tỷ lệ hàng hóa được hưởng ưu đãi của Việt Nam (đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ) cao so với các đối tác trong khu vực và luôn có xu hướng tăng lên qua các năm thực hiện. Riêng với Hàn Quốc, trên 90% hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế thông qua FTA ASEAN- Hàn Quốc.
Các AEC và FTA ASEAN+ còn giúp ổn định nguồn nhập khẩu và hạ giá đầu vào nhập khẩu. Do nhập khẩu thường xuyên chiếm khoảng 80% GDP của Việt Nam nên việc ổn định nguồn nhập khẩu và hạ giá đầu vào nhập khẩu có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc duy trì tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng xuất khẩu nói riêng.
Bên cạnh những tác động tích cực nói trên, khi chúng ta mở cửa theo FTA, sẽ có những sản phẩm, ngành hay lĩnh vực phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Thậm chí ở nơi này, nơi khác sẽ có những ngành phải thu hẹp sản xuất do không cạnh tranh được. Đây là thực tế của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mà các quốc gia tham gia cần chấp nhận, miễn là lợi ích thu được phải luôn lớn hơn chi phí của việc thay đổi cơ cấu do cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần lưu ý là nguyên nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu từ các thị trường nói trên thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn trên tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam nên nếu giảm được giá đầu vào (thông qua giảm thuế) thì về tổng thể, lâu dài, nền kinh tế vẫn sẽ được lợi.
Đáng chú ý, không phải tới năm 2015 (mốc hình thành AEC) chúng ta mới bắt đầu thực hiện các FTA với ASEAN và ASEAN+. Đơn cử, với hầu hết nông, thủy, hải sản chưa chế biến, ngay từ năm 2008, Việt Nam đã áp dụng thuế nhập khẩu 0% cho các mặt hàng nhập khẩu từ ASEAN và Trung Quốc theo chương trình “Thu hoạch sớm”. Do đó, những lo ngại cho rằng tới năm 2015 lĩnh vực này sẽ rất khó khăn có phần chưa chính xác. Thực tế cho thấy, Việt Nam luôn là nước xuất siêu sang Trung Quốc các mặt hàng thuộc chương trình “Thu hoạch sớm” và đa số nông sản Việt Nam vẫn giữ được thế cạnh tranh trên thị trường nội địa. Ngoài ra, với thói quen tiêu dùng, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có xu hướng lựa chọn thực phẩm trong nước bởi chúng chắc chăn là tươi hơn, nếu như không nói là ngon hơn. Nếu ta làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm thì nông sản ngoại không dễ gì cạnh tranh với nông sản Việt Nam.
C.T.V