Cải cách thể chế tiếp sức cho doanh nghiệp vượt khủng hoảng đại dịch Covid-19
Số lượng DN rút khỏi thị trường tăng cao kỷ lục
Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “DN bản lĩnh vượt khó Covid-19” diễn ra ngày 21/5, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương- cho hay, về mặt vĩ mô, so sánh số lượng DN thành lập mới, DN rút lui khỏi thị trường, DN tạm dừng kinh doanh và DN quay trở lại kinh doanh năm 2019, năm 2020 và năm 2021 cho thấy rất đáng quan ngại. Trong khi, số lượng DN thành lập mới 4 tháng đầu năm 2021 về cơ bản không thay đổi so với cùng kỳ năm 2020 và 2019 và dao động trong khoảng 40.000 DN; số DN quay trở lại kinh doanh về cơ bản không thay đổi và dao động trong khoảng 17.000 - 19.000; thì số DN rút lui khỏi thị trường tăng mạnh với 51.500 DN, trong khi 4 tháng đầu năm 2020 là 41.000 DN, 4 tháng năm 2019 con số này là 22.000 DN. Thống kê 4 tháng đầu năm 2021, con số DN tạm ngừng kinh doanh là 28.000, trong khi năm 2019 chỉ có 16.000 DN.
Sản xuất quạt công nghiệp tại Công ty CP Tomeco An Khang (Cụm Công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội) |
“Có những DN vượt qua khó khăn và trụ lại được trong dịch Covid-19, nhưng về mặt tổng thể thì đây là con số rất đáng quan ngại. Số DN thành lập mới, số DN quay trở lại kinh doanh cơ bản không thay đổi so với thời gian trước. Tuy nhiên số DN rút lui và tạm ngừng kinh doanh là rất cao”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Trong khi một số quan điểm cho rằng, đây là quá trình DN tái cơ cấu lại nhưng theo ông Phan Đức Hiếu đây không phải là một cuộc tái cơ cấu chủ động. Trong số này, có rất nhiều DN rút lui khỏi thị trường đồng nghĩa với việc chấm dứt hoạt động kinh doanh. Trong đó, nguyên nhân rất lớn đến từ đại dịch Covid-19.
Cũng theo ông Phan Đức Hiếu, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 rất nguy hiểm, khi đánh vào 2 cơ sở của nền kinh tế mà Chính phủ cố giữ vững thời gian qua, đó là cơ sở y tế và khu công nghiệp. Khả năng cầm cự của DN tốt nhất là 3 năm, như vậy, sức khỏe của DN năm nay thấp hơn năm ngoái. Và như vậy, nếu dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài thì con số DN rút lui khỏi thị trường sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng: Việt Nam đã kiên cường vượt qua năm 2020 với rất nhiều khó khăn, trong đó, với DN, sự sụt giảm doanh thu do thị trường tiêu thụ, thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào, thiếu vốn… Đứng trước đợt bùng phát dịch Covid-19 mới, việc phục hồi kinh tế sẽ khó khăn hơn. Chỉ số quản trị mua hàng tăng 3 tháng liên tiếp nhưng đến tháng 5, 6/2021 chưa biết sẽ thế nào khi dịch diễn biến phức tạp.
Các chính sách đưa ra cần nhanh chóng, tức thời
Ông Thân Đức Việt- Tổng giám đốc Công ty May 10- nhận định, đợt dịch Covid-19 lần 4 bùng phát có nguy cơ ảnh hưởng lớn sâu rộng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và nguy cơ sức khoẻ người lao động. “Chúng tôi đã phải căng mình chống dịch từ 6h sáng đến 12h đêm, theo dõi trên tất cả các ban phòng chống dịch, xây dựng tổ phòng chống Covid-19 tại công ty, vì khả năng lây nhiễm biến chủng mới rất lớn. Nhưng dù cho hiện có làm tốt, thì cũng không có nghĩa là tương lai không có nguy cơ”, ông Thân Đức Việt nói.
Chia sẻ về những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh đối với DN trong đợt dịch lần này, ông Thân Đức Việt cho biết, May 10 có DN liên kết ở Bắc Ninh phải đóng cửa 21 ngày. Hoạt động của ngành là mùa vụ và dựa vào ngày công lao động với bình quân 300 ngày công/1 năm. Nếu đóng cửa 21 ngày, tức mất 7% tổng thời gian làm việc cả năm, với ngành may thì mất 1 ngày công cũng đã rất ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng, cũng như đơn hàng xuất khẩu. Đây là bài toán khó với DN sử dụng nhiều lao động như may, điện tử.
Ông Phan Đức Hiếu nhận định, hiện nay chúng ta không thể tách rời giữa kinh doanh và chống dịch. Về các chính sách hỗ trợ DN, bên cạnh duy trì những giải pháp tích cực như tạm hoãn, chậm nộp thuế, với các gói hỗ trợ mới chúng ta phải tính đến một cách bài bản hơn. “Cần phải chủ động xây dựng các gói hỗ trợ, Chính phủ phải đi trước trong xây dựng các kịch bản. Tiếp đó phải tiếp cận theo nhóm đối tượng”, ông Phan Đức Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, các gói hỗ trợ trước đó vô tình đã bỏ qua đối tượng là nông dân sản xuất hàng hóa. Điều này thể hiện qua đợt dịch ở Hải Dương, khi nông sản bị ách tắc tiêu thụ. Các đối tượng này bị tác động rất lớn và trong tương lai cũng sẽ tiếp tục bị đe dọa. Do vậy, các đối tượng được hỗ trợ cần phải tính toán, cân nhắc kỹ hơn. Các gói hỗ trợ phải tiếp cận theo hướng công bằng, tiêu chí dễ dàng hơn, thiết thực hơn.
Lazada phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và các đối tác đưa vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) nói riêng cùng nhiều đặc sản Việt Nam ở các địa phương khác lên nền tảng thương mại điện tử Lazada. |
Trong các gói giải pháp, ông Hiếu cho rằng, gói hỗ trợ kỹ thuật là hết sức cần thiết. Câu chuyện thực tế đó là đưa trái vải Thanh Hà (Hải Dương) lên bán trên sàn thương mại điện tử Lazada vừa qua. Việc này không chỉ được thực hiện trong thời kỳ Covid-19 mà đây là giải pháp căn cơ lâu dài, là kênh phân phối bền vững cho các sản phẩm tiềm năng của nhiều địa phương ngay cả khi không còn dịch Covid-19. Hoạt động này sẽ góp phần nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các tổ chức, DN sản xuất, kinh doanh và đặc biệt khuyến khích tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Về lâu dài, ngoài các biện pháp trực diện để phục hồi nền kinh tế, kiểm soát dịch bệnh, theo ông Phan Đức Hiếu, Chính phủ cần có những cải cách mạnh mẽ về môi trường kinh doanh.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, với gói hỗ trợ đã có cần mở rộng đại trà hơn, bao trùm hơn, để hỗ trợ rộng hơn các DN vừa và nhỏ đang khó khăn. Bên cạnh đó, cần có gói hỗ trợ nhằm vào các lĩnh vực, DN, dự án có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Việc này, không chỉ cứu DN mà còn tạo động lực cho DN phát triển sau đại dịch.
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, điều DN cần nhất hiện nay là Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng các giải pháp về cải cách thể chế để tiếp sức kịp thời cho DN vượt khủng hoảng đại dịch Covid-19. Làm sao để các thủ tục hành chính phải thiết kế theo tinh thần mới dễ dàng hơn, giảm thời gian, chi phí cho DN.
“Về dòng vốn FDI, trong bối cảnh làn sóng chuyển dịch đang diễn ra mạnh mẽ, cần có giải pháp đẩy mạnh kết nối DN trong nước và FDI. Về phát triển thị trường nội địa, cần đẩy mạnh các cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", "Hàng Việt chinh phục người Việt" để tiếp sức kịp thời cho DN”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.