Mở rộng đầu ra cho sản phẩm tại các siêu thị
CôngThương - Đẩy mạnh đầu tư cho sản xuất
Ông Vũ Văn Hòa – Trưởng ban quản lý các KCX - KCN TP. Hồ Chí Minh (HEPZA) cho biết, hiện có hơn 1.000 DN (hơn 50% là DN trong nước), tập trung rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực đang hoạt động tại các KCX - KCN của thành phố. Trong quí I/2011, tổng vốn thu hút đầu tư vào các KCX-KCN thành phố đạt khoảng 1.192 triệu USD, đạt 83% kế hoạch năm (1.400 triệu USD), tăng 360% (gấp 4,6 lần) so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, đầu tư nước ngoài đạt 1.045 triệu USD, tăng 1.172% (gấp 12,7 lần), đầu tư trong nước đạt 2.247 triệu USD, giảm 30,7%.
Sở dĩ nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng cao là do trong quí I, HEPZA đã cấp phép đầu tư cho 1 dự án công nghệ cao với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD trên diện tích hơn 44 ha. Đây là dự án First Solar Việt Nam nhằm xây dựng và phát triển Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời với công nghệ màng mỏng tại KCN Đông Nam, Củ Chi với tổng công suất 238 MW/năm trong giai đoạn 1 và sẽ được nâng lên gấp 4 lần trong giai đoạn sau. Riêng đầu tư trong nước không tăng trưởng so với cùng kỳ là do lãi suất ngân hàng tăng cao (18 - 20%/năm), giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh nên hầu hết các DN trong nước đều hạn chế đầu tư.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt trong quí I. Chỉ tính riêng hai KCX Tân Thuận và Linh Trung đã đạt kim ngạch khoảng 520 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ. Đặc biệt, khoảng 10% DN trong toàn HEPZA đã có động thái xuất khẩu tại chỗ, tuy chưa nhiều nhưng mỗi năm đã thu về khoảng 20 triệu USD.
Để có được những kết quả này, hầu hết các DN hoạt động tại HEPZA đều mạnh tay đầu tư cho dây chuyền sản xuất hiện đại, cơ sở hạ tầng tốt và chăm lo cho đời sống công nhân. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Công ty Mtex cho biết, chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có lúc đơn hàng hàng tháng của công ty sụt giảm hơn 70%, nhưng do cách tiến hành sắp xếp lại sản xuất như chuyển sang chế độ chỉ làm giờ hành chính, cho nhân viên thay nhau nghỉ hưởng 70% lương… nên bước vào giai đoạn kinh tế dần hồi phục, có nhiều đơn hàng,
Mtex đã có sẵn đội ngũ lao động, không cần phải đào tạo từ đầu để đáp ứng sản xuất và vươn lên mạnh mẽ. Trong những tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu của công ty khá ổn định và vẫn duy trì được lượng công nhân cho sản xuất.
Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ thời gian qua công ty đã đầu tư trên 200 tỷ đồng nâng cấp nhà máy, mua sắm trang thiết bị mở rộng sản xuất. Khẳng định chủ trương sản xuất phải thân thiện với môi trường, Sợi Thế Kỷ đã đầu tư cải tiến nhiều thiết bị sản xuất nhằm hạn chế mức tiêu hao năng lượng, giúp tiết kiệm mỗi tháng khoảng 6 tỷ đồng và tiến hành xây dựng bộ phận xử lý nước thải. Ngoài ra, công ty còn có nhiều chính sách chăm lo đời sống cho người lao động như tham gia bảo hiểm đầy đủ, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân…, nhờ đó sản xuất ổn định, đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu.
Bắt tay với các siêu thị, mở rộng đầu ra cho sản phẩm
Dù có những kết quả hoạt động tương đối tốt nhưng với thực trạng chung như thiếu lao động, biến động tỷ giá, lãi suất ngân hàng, nguồn nguyên liệu tăng cao đã khiến nhiều DN hoạt động tại HEPZA gặp không ít khó khăn. Để hỗ trợ các DN phát triển thị trường nội địa, ổn định sản xuất, HEPZA đã lên kế hoạch làm việc với các nhà phân phối như Coop Mart, BigC, Lotte..., cung cấp danh sách các DN có hàng hóa để Metro tiêu thụ. Theo dự kiến, năm 2011, Metro có nhu cầu mua các mặt hàng của các DN sản xuất tại các KCX – KCN thành phố như: điện - điện tử (600 tỷ đồng), dệt may (350 tỷ đồng), hàng gia dụng, dụng cụ & thiết bị gia đình (300 tỷ đồng), văn phòng phẩm (400 tỷ đồng)… Việc làm này góp phần giúp các DN mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, ổn định sản xuất và đời sống người lao động, đồng thời, giúp nhà phân phối giảm nhập siêu hàng hóa, hạn chế chảy ngoại tệ ra nước ngoài.
Mặt khác, để tạo môi trường sống tốt cho công nhân, giúp DN bán hàng hiệu quả, gần đây đã có những siêu thị công nhân (CN), cửa hàng tiện ích được mọc lên ngay trong khuôn viên các KCX-KCN hay nhà lưu trú CN. Điển hình là siêu thị ba tầng, rộng 400m2 được xây dựng ngay bên cạnh nhà lưu trú CN thuộc KCX Tân Thuận, phục vụ thức ăn, thực phẩm tươi sống và các dịch vụ vui chơi, giải trí. Hay một loạt những dự án siêu thị phục vụ người lao động được lên kế hoạch và dự kiến triển khai trong thời gian tới tại hầu hết các KCN trên địa bàn.
Theo bà Lê Quang Thục Quỳnh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, trong năm nay, ngoài việc tổ chức khoảng 400 chuyến bán hàng lưu động tới từng KCX-KCN (mỗi tháng tổ chức khoảng 30 chuyến), Saigon Co.op còn có nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực xây dựng siêu thị phục vụ người lao động. Dự kiến, Saigon Co.op sẽ xây dựng siêu thị tại Trung tâm sinh hoạt CN thuộc KCN Hiệp Phước; xây dựng siêu thị với quy mô khoảng 1.000m2 tại KCX Linh Trung 2 và kết hợp với Công ty Thiên Phát (chủ đầu tư nhà lưu trú công nhân KCX Linh Trung 2) xây dựng siêu thị tại tầng trệt nhà lưu trú với diện tích khoảng 500m2.
Tại KCX Linh Trung 1, dự án siêu thị, trung tâm thương mại tại trung tâm KCX với quy mô khoảng 5.000m2 (do Sepzone Linh Trung đầu tư) sẽ được triển khai. Tại các KCN Tân Thới Hiệp, Lê Minh Xuân, Tân Tạo cũng có những dự án siêu thị lớn sẽ được triển khai trong thời gian tới. Việc làm này không chỉ giúp công nhân tiếp cận hàng Việt có chất lượng mà còn giúp DN mở rộng đầu ra cho sản phẩm của mình.