Cải thiện môi trường kinh doanh: "Chìa khóa" tăng trưởng
Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - nhấn mạnh, hơn 1.200 thành viên EuroCham đều đưa ra tín hiệu lạc quan, tin tưởng vào trạng thái "bình thường mới" của Việt Nam, thể hiện qua Chỉ số Môi trường kinh doanh của EuroCham (BCI), đã tăng từ 42 điểm lên 61 điểm vào tháng 1/2022. "Khi Covid-19 dần được kiểm soát, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ sớm thực hiện, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các quốc gia châu Âu" - ông Alain Cany thông tin thêm.
Cải thiện môi trường kinh doanh hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức thể hiện qua mức độ thị trường giảm, năng suất lao động bị ảnh hưởng, nguy cơ đứt gãy của chuỗi cung ứng có thể xảy ra và gia tăng các khoản vay. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động, khả năng cạnh tranh của khu vực DN, mà còn tiềm ẩn những rủi ro, ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi của nền kinh tế.
Từ những nhận định trên, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cần được Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, coi đó là nhiệm vụ xuyên suốt để tiến đến mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững. Theo ông John Rockhold - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham): Yếu tố quan trọng nhất để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cũng như duy trì chuỗi cung ứng là môi trường pháp lý phải công bằng, minh bạch, coi trọng sự đổi mới. Điều này không chỉ kích thích mà còn duy trì, tăng trưởng dòng vốn đầu tư nước ngoài đã có trước đó.
Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để góp phần hiện thực hóa mục tiêu và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đặt ra, VCCI đề xuất Chính phủ tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ DN; hỗ trợ hiệu quả DN tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong đó, cần nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% đối với các khoản vay thương mại trong chương trình hỗ trợ phục hồi theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Các gói vay lãi suất thấp trong thời hạn từ 3 - 6 tháng để hỗ trợ DN trả lương cho người lao động trong giai đoạn khôi phục kinh tế cần được triển khai mạnh mẽ…
Trên thực tế, nhận thức được tầm quan trọng của cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng (khoảng trên 4% GDP) vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 1/2022. Đây được dự báo sẽ là tiền đề quan trọng để kinh tế Việt Nam phục hồi và bứt phá.
Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ giúp Việt Nam gia tăng cơ hội thu hút đầu tư mà còn nâng cao sức cạnh tranh của khu vực DN và nền kinh tế. |