Cam sành, quýt đường mang lại nguồn thu bạc tỷ cho nông dân xã Đắk Nia |
Bén duyên
Những năm gần đây, mô hình trồng cam sành, quýt đường đang được nhiều nông dân xã Đắk Nia ra sức nhân rộng. Đi đến đâu cũng nghe nông dân bàn tán sôi nổi về loại cây trồng cho thu nhập tiền tỷ/ha này. Tới Đắk Nia nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những đồi cam, quýt bạt ngàn đang vào mùa thu hoạch.
Nổi tiếng nhất xứ cam quýt này có lẽ là “vua cam” Trần Thị Yến (thôn Phú Xuân). Trước đây, gia đình bà tập trung toàn bộ kinh tế vào trồng cà phê tại khu đất đồi rộng 12ha. Khi mới cho thu hoạch, rẫy cà phê đạt năng suất khá, giúp gia đình có điều kiện trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Nhưng khi qua tuổi thứ 10, cây cà phê dần kém hiệu quả, năng suất bấp bênh, giá cả cũng chẳng được ổn định.
Vào năm 2008, trong một lần ghé thăm vườn trái cây tỉnh Bến Tre, thấy nông dân miền sông nước làm giàu nhờ trồng cam, quýt nên bà Yến nảy sinh ý tưởng đưa loại trái cây này về với đất Tây Nguyên. Sau khi cải tạo vườn cà phê rộng 2ha, bà đã trồng 500 cây quýt đường ghép từ Bến Tre.
Chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên những năm đầu khi mới trồng, chồng bà khăn gói đi khắp nơi học hỏi các mô hình đã thành công trước đó. Thế rồi, cây quýt cũng chẳng phụ lòng người, sau 3 năm được vun vén, chăm sóc đã bắt đầu cho thu bói. Từ năm thứ 4 trở đi, cây cho năng suất khá, bình quân đạt từ 30 - 40 tấn/ha. Với giá bán trung bình hơn 10.000 đồng/kg thời điểm đó, gia đình thu về gần 1 tỷ đồng từ 2ha quýt. Thấy vậy, từ năm 2011, bà Yến tiếp tục cải tạo 4ha cà phê già cỗi để trồng cam sành và quýt đường.
Ngoài 4ha đang cho thu hoạch, vào mùa mưa năm nay, gia đình bà Yến đã thay thế thêm 3ha cà phê già cỗi bằng cây quýt đường. Ở những khu vực mới trồng, gia đình bà đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động theo công nghệ tiên tiến. Song song với đó, bà cũng đã chặt bỏ vườn quýt trồng từ năm 2008 để mùa mưa sang năm tiếp tục trồng lại.
Theo bà Yến, cây cam sành và quýt đường trái vụ có hiệu quả gấp khoảng 5 lần cây cà phê nhưng nguồn vốn đầu tư rất lớn nên anh sẽ làm theo kiểu gối đầu, dần thay thế toàn bộ cà phê để mở rộng diện tích trồng trái cây ra toàn bộ 12ha của gia đình.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Chu ở buôn Srê-ú, xã Đắk Nia cũng đang vươn lên trở thành tỷ phú từ vườn cam trồng trên vùng đất sỏi đá, là tấm gương cho bà con nông dân địa phương vươn lên làm giàu bằng sức lao động chính đáng.
Cam sành, quýt đường mang lại nguồn thu bạc tỷ cho nông dân xã Đắk Nia |
Nhờ đầu tư chăm bón vườn cây đúng kỹ thuật, nên 2ha cam, quýt của gia đình ông Chu phát triển khá tốt, năng suất đạt hơn 90 tấn quả. Theo ông Chu, cây cam, quýt trồng trên đất đỏ bazan Tây Nguyên căn bản không khác về sinh trưởng so với các vùng đất khác. Chỉ cần chọn được giống tốt, chăm bón đúng kỹ thuật, điều chỉnh cây ra hoa kết quả hợp lý, đạt chất lượng ngon, ngọt thì không kém sản phẩm hoa quả ở miền Tây Nam bộ.
Đến vùng đất mới, sau vài năm sau tích lũy, năm 2007 ông Chu mua đất định trồng cây công nghiệp. Tình cờ được tham gia cuộc hội thảo do Hội Nông dân thị xã Gia Nghĩa tổ chức, ông Chu nhận thấy phần đất của gia đình mình tuy là đồi dốc và nhiều đá nhưng khu vực này khí hậu ôn hòa, rất phù hợp với cây ăn trái. Ông đã tìm đến các mô hình trồng cây ăn trái ở trong và ngoài tỉnh để học hỏi cách trồng và kỹ thuật chăm sóc cây. Sau khi nắm bắt được kỹ thuật trồng cây ăn quả, cộng với sự giúp đỡ của Hội Nông dân thị xã, Trung tâm Thông tin và ứng dụng KHCN, ông Chu đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư trồng 2ha cam sành và quýt đường.
Đổi đời
Từ hai bàn tay trắng, không ngại khó khăn trong sản xuất cùng với ý chí vươn lên trong kinh doanh, gia đình ông Chu đã trở nên giàu có. Với thành tích xuất sắc trong sản xuất, ông Chu được Hội Nông dân tỉnh bầu chọn là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Từ thành công ban đầu, năm 2012 ông Chu trồng thêm 3ha cam, quýt và trồng xen trong vườn cam 200 cây măng cụt. Đến nay, vườn cam, quýt của ông đã cho thu hoạch với tổng sản lượng đạt gần 150 tấn/năm. Hàng tháng, ông thu hái quả bán cho các thương lái vào những ngày rằm, mồng một. Với giá bán trung bình trên thị trường khoảng 20.000 đồng/kg, mỗi năm trên diện tích gần 5ha vườn cây ông Chu thu được hơn 3 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí đầu tư ông bỏ túi hơn 2 tỷ đồng/năm từ vườn cam, cao gấp trên chục lần so với trồng cà phê cùng diện tích.
Nhờ hiệu quả trong sản xuất, ông Chu mạnh dạn đầu tư dẫn nước suối từ trên đồi qua đường ống xuống vườn bằng hệ thống giàn tưới phun mưa. Khi tưới, chỉ cần mở van, các vòi phun mưa đồng loạt tưới đều cho vườn cam, quýt mà đỡ tốn công, thời gian chăm bón và tiết kiệm tiền đầu tư chăm bón.
Cam sành, quýt đường mang lại nguồn thu bạc tỷ cho nông dân xã Đắk Nia |
Thực tế ở Đăk Nông, chỉ có 1 mùa cam, quýt vào tháng 10, 11 hàng năm, nhưng vườn cam của nhiều nông dân ở Đắk Nia ra trái quanh năm, lúc nào cũng trĩu quả, không thua gì vụ chính. Bí quyết của “vua cam” Trần Thị Yến rất gọn: “Cho cam quýt ra hoa, kết trái trái vụ rất đơn giản nếu nắm rõ thời vụ của loại cây này. Cây cam, quýt chỉ cần cung cấp đủ lượng nước thì sẽ ra hoa nên tôi căn cứ vào đó để chọn thời điểm tưới nước cho cây”.
Theo bà Yến, muốn cam, quýt cho trái vụ cũng không phải khó, chỉ cần điều chỉnh nguồn nước tưới để cây phát triển, ra hoa theo ý người trồng. Nắm được nguyên lý, bà Yến thuê người làm hệ thống mương dẫn quanh vườn quýt. Đầu mùa mưa, bà không cho cây tiếp xúc với nước bằng cách dùng bạt nông nghiệp hứng toàn bộ nước mưa, cho chảy theo mương dẫn xuống suối. Đến khoảng tháng 7, bà cho tháo toàn bộ bạt ra để cây nhận nước mưa và bắt đầu ra hoa, kết trái. Rồi vào mùa khô, tưới liên tục như trời mưa thì vườn cây sẽ chín đồng loạt vào khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch.
Nhờ áp dụng phương pháp cho trái nghịch vụ, năng suất cây vẫn bảo đảm nên trái cam, quýt của bà Yến luôn bán được với giá cao. Mùa thu hoạch năm 2016, thương lái tìm đến tận vườn cây của gia đình mua với giá trung bình trên 30.000 đồng/kg, gấp đôi các thời điểm khác trong năm. Với năng suất trung bình gần 40 tấn/ha, vườn cam sành và quýt đường mang lại nguồn thu gần 5 tỷ đồng.