Tổ công tác làm việc với Công ty TMT |
Đây là đề xuất của ông Bùi Văn Hữu - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ô tô TMT trong buổi làm việc với Tổ công tác liên bộ - ngành của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải làm trưởng đoàn - vào sáng 5/4. Buổi làm việc nhằm lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp trong việc đưa ra chính sách phù hợp cho phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Theo ông Hữu, thực trạng công nghiệp ô tô đang phát triển theo chiều rộng chứ không phải theo chiều sâu, thiếu trọng tâm. Điều này cũng đã khiến CNHT không phát triển, dẫn đến khó khăn cho phát triển công nghiệp ô tô. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách hiện nay đang có vướng mắc giữa các bộ ngành, không đi cùng với chiến lược phát triển công nghiệp ô tô đã khiến doanh nghiệp luôn bị rào cản trong quá trình sản xuất hay mở rộng quy mô hoạt động. Đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất dường như bị lép vế so với doanh nghiệp nhập khẩu. “Muốn tăng sản xuất thì phải có ưu tiên chứ hiện nay "ông" sản xuất -lắp ráp đang “chết””- ông Hữu bộc bạch.
Dẫn chứng cho quan điểm của mình, ông Hữu đưa ra ví dụ: Theo quy định, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô phải thử động cơ mất khoảng 30 ngày trong khi đăng kiểm xe nhập khẩu mới chỉ mất từ 3-5 ngày. Hay xe sản xuất lắp ráp trong nước phải có chứng nhận an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường trong khi xe nhập khẩu lại không phải thực hiện yêu cầu này.
Kiến nghị với Tổ công tác, ông Bùi Văn Hữu cho rằng, chủ trương của Chính phủ về Chiến lược ngành công nghiệp ô tô đã có định hướng rõ ràng, các bộ ngành cần sớm khắc phục bất cập về những quy định, tạo sự thống nhất trong quản lý và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, cần có quy chế công nhận lẫn nhau để giảm bớt chi phí, thời gian cho doanh nghiệp khi phải thực hiện kiểm tra những linh kiện nhập khẩu như gương, đèn, kính… - điều mà xe nhập khẩu không phải thực hiện.
Ngoài ra, ông Hữu đề xuất, những doanh nghiệp lớn phải cùng ngồi để tìm tiếng nói chung, có sự hợp tác để đề xuất cơ chế tạo lực đẩy cho phát triển sản xuất trong nước. Đặc biệt, cần có sự quan tâm tới CNHT, có cơ chế thích ứng cho lĩnh vực này để kéo doanh nghiệp tham gia.
“Với dung lượng thị trường nhỏ như Việt Nam, muốn làm công nghiệp ô tô phải có cơ chế tập trung cho doanh nghiệp chủ đạo, có sản phẩm cơ bản trong nước và tiến tới xuất khẩu”- ông Hữu bày tỏ.
TMT là doanh nghiệp thứ 3 mà Tổ công tác liên bộ - ngành tới làm việc. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải một lần nữa khẳng định: Mục tiêu của Chính phủ và Bộ Công Thương là duy trì công nghiệp lắp ráp sản xuất ô tô trong nước, phát triển CNHT và giúp doanh nghiệp ô tô trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì thế, “Chính sách cho phát triển công nghiệp ô tô trong thời gian tới sẽ không chung chung nữa mà đi vào vấn đề, mục tiêu cụ thể để đảm bảo có dung lượng lớn cho thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Thăm quan xưởng sản xuất lắp ráp xe tải của TMT |
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thời gian gần đây, các bộ ngành đang tích cực tháo gỡ chính sách với mong muốn có được chính sách chất lượng, phù hợp với thực tế cuộc sống. Những buổi làm việc với các doanh nghiệp cũng chính là để lắng nghe, “đưa cuộc sống vào chính sách” nhằm có những hỗ trợ cụ thể, sát hơn tới doanh nghiệp. Muốn làm được điều này, các doanh nghiệp cũng cần phải đưa ra kiến nghị cụ thể hơn về những mong muốn chính sách. Ví dụ, khi đặt ra vấn đề là sản xuất được sản phẩm và đưa vào chuỗi giá trị thì phải trả lời được câu hỏi: Đối với chính sách thuế, hạ thuế có phải là yếu tốt quyết định cho sản phẩm sản xuất ra được thị trường chấp nhận hay không?.
“Qua các buổi làm việc với doanh nghiệp, tôi nhận thấy nhiều linh kiện dù không được ưu đãi về thuế vẫn được doanh nghiệp tập trung đầu tư bởi tham gia được vào chuỗi và được thị trường chấp nhận”- Thứ trưởng Hải nói.