Xử lý lượng lớn tro xỉ nhiệt điện than đang là vấn đề cấp bách |
Vấn đề cấp bách
Theo thống kê của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), hiện có 19 nhà máy nhiệt điện than (công suất đạt 14.300 MW) đang vận hành và tiêu thụ khoảng 42 triệu tấn than/năm. Ước tính lượng tro, xỉ, thạch cao thải ra hàng năm hơn 14,4 triệu tấn. Tổng số diện tích làm bãi thải khoảng 700 ha.
Ngoài ra còn có 12 nhà máy (11.700 MW) đang xây dựng và 12 nhà máy đã và đang phê duyệt đầu tư (12.900 MW) với tổng số than tiêu thụ 63 triệu tấn/năm và lượng tro xỉ thải ra khoảng 14,7 triệu tấn/năm. Diện tích bãi thải xỉ khoảng hơn 1.100 ha. Như vậy, tính đến năm 2022-2023, Việt Nam sẽ có 43 nhà máy, tiêu thụ khoảng 110 triệu tấn than và thải ra khoảng 29 triệu tấn tro xỉ/năm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, việc tìm giải pháp hữu hiệu để xử lý một khối lượng lớn tro xỉ than đang là vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách.
Đại diện các nhà máy nhiệt điện than cho biết, hầu hết lượng tro xỉ than đều được chôn lấp nhưng cũng chỉ kéo dài được khoảng 2 đến 3 năm, nhiều nhất là 5 năm. Một số ít nhà máy bán được tro xỉ ra bên ngoài, phục vụ sản xuất gạch không nung, làm phụ gia xi măng, bê tông nhưng số lượng hạn chế, không thường xuyên. Một số nhà máy có nghiên cứu, thuê tư vấn lập dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng nhưng vẫn trong giai đoạn kế hoạch vì khó vay vốn.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, đã có nghiên cứu cơ bản về việc xử lý tro xỉ than sử dụng trong vật liệu xây dựng nhưng sở dĩ chưa triển khai được do vướng mắc về vấn đề kỹ thuật như chất lượng tro xỉ than, chi phí đầu tư, giá thành sản xuất cũng như cạnh tranh.
Mặc dù Chính phủ đã có Quyết định 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp xử lý tro xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng với một số cơ chế ưu đãi nhưng nhiều ý kiến cho rằng khó thực hiện nếu không có hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn.
Cần có cơ chế ưu đãi
Theo các chuyên gia, nguồn chất thải tro xỉ rất có giá trị trong việc sản xuất ra các sản phẩm vật liệu không nung và dùng trong các ngành công nghiệp như sản xuất xi măng, bê tông, gốm, sứ, gạch, vật liệu nhẹ, phân bón, nhựa đường hoặc san lấp... Thậm chí các nhà khoa học thế giới đã nghĩ đến dùng tro bay để chế tạo xe bọc thép siêu nhẹ hoặc thu dọn dầu loang. Việc này vừa mang lợi ích kinh tế hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, hạn chế nhập khẩu nguyên vật liệu xây dựng, vừa tiết kiệm được đất làm hồ, bãi chứa và quan trọng hơn là việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thành công, tuy nhiên để làm được điều này không hề đơn giản mà cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ từ nhà nước.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng giao Tổng cục Năng lượng trên cơ sở xem xét, nghiên cứu Quyết định 1696 cần tiếp tục đưa ra các giải pháp, trong đó có việc xây dựng cơ chế ưu đãi đối với các phương án xử lý tro xỉ nhiệt điện. Tập trung vào chính sách ưu đãi về vốn, lãi suất - thời gian cho vay, mặt bằng, các loại thuế, nhập khẩu, vấn đề thị trường đầu ra cho sản phẩm… Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng sớm rà soát lại các tiêu chuẩn kỹ thuật tro xỉ để bổ sung sao cho có một chính sách đồng bộ. Trong tháng 8/2015, Tổng cục Năng lượng xây dựng dự thảo để lấy ý kiến các bộ, ngành và báo cáo Chính phủ.
Tuy nhiên, việc xây dựng cơ chế, chính sách sẽ mất nhiều thời gian. Do đó, đối với từng dự án cụ thể, nếu có phương án khả thi, phù hợp có thể triển khai sớm sau khi báo cáo Bộ Công Thương tổng hợp, xin ý kiến Chính phủ.
Một số chuyên gia cho rằng, ngoài các cơ chế, chính sách cần đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, khuyến khích sử dụng sản phẩm làm bằng tro xỉ than, thậm chí có chế tài bắt buộc. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, học hỏi các nước trên thế giới để thêm giải pháp tối ưu. |