Cần đưa giá điện về đúng giá trị thật
- Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2010, tổng sản lượng điện sản xuất và mua ngoài của EVN là 95,472 tỷ kWh. Tổng sản lượng điện thương phẩm thực hiện được là 85,647 tỷ kWh. Tính ra, năm 2010, EVN phải chi phí cho sản xuất kinh doanh điện là 101.096 tỷ đồng (tương ứng 1.180 đồng/kWh). Trong khi đó, doanh thu bán điện chỉ đạt 90.934 tỷ đồng (tương ứng giá điện bán điện bình quân là 1.061,4 đồng/kWh). Như vậy, năm 2010, sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ 10.162 tỷ đồng (=doanh thu - chi phí = 90.934 tỉ đồng – 101.096 tỉ đồng) (chưa tính đến lỗ/lãi tại các công ty cổ phần điện EVN góp vốn).
Ngoài phần lỗ kinh doanh, năm 2010 EVN còn khoản chi phí vẫn treo lại chưa được tính hết vào giá thành sản xuất kinh doanh điện bao gồm khoản lỗ chênh lệch tỉ giá là 15.463 tỷ đồng và chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn còn lại là 356 tỷ đồng
Ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN cho biết, những nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2010 của EVN bị lỗ là do sản lượng thủy điện thấp (do thiếu hụt nước nghiêm trọng) nên EVN phải huy động các nhà máy chạy dầu của EVN và mua điện ngoài với giá cao gấp 3-4 lần giá bán điện bình quân, làm tăng chi phí rất lớn so với kế hoạch chi phí được duyệt trong phương án giá điện năm 2010. Bên cạnh đó, giá bán điện thấp hơn giá thành là nguyên nhân chính gây nên tình trạng các nhà máy điện càng sản xuất kinh doanh nhiều càng lỗ nặng. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc kêu gọi đầu tư vào ngành điện gặp nhiều khó khăn
Ngoài ra, việc chậm tiến độ của một số nhà máy điện, biến động tỉ giá hối đoái, biến động giá nhiên liệu cũng là những nguyên nhân gây lỗ trong sản xuất kinh doanh điện của EVN trong năm 2010.
Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh các giải pháp khắc phục tình trạng thua lỗ của EVN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, giải pháp cơ bản nhất là phải đưa giá điện về đúng giá trị thật của nó. Bởi lẽ, giá điện thấp đã khiến các đơn vị sản xuất cung ứng điện như EVN, PVN, TKV gặp nhiều khó khăn về hoàn vốn, đảm bảo đủ chi phí trong hoạt động điện lực. Cũng theo Thứ trưởng Vượng, Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giá điện bán theo cơ chế thị trường và Thông tư 31/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản sẽ giúp các nhà máy được điều chỉnh giá bán đảm bảo có lãi, đây cũng là giải pháp cơ bản khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào thị trường sản xuất, cung cấp điện. Đây cũng là mục tiêu lâu dài để cung ứng điện ngày càng đầy đủ với giá cả hợp lý, chất lượng ngày càng cao, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
Ngọc Loan