Cần giải pháp nào để hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường?
Khoảng 1.000 xe buýt chờ được đăng kiểm
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có hơn 120 tuyến buýt, số lượng đầu xe hơn 2.000 phương tiện, loại từ 16 đến 45 chỗ. Theo quy định, xe chở khách mới mua, sau khi chạy hết thời gian 2 năm đầu, đến các năm tiếp theo thì 6 tháng phải kiểm định kỳ 1 lần, do vậy nhu cầu đăng kiểm của xe buýt tại Hà Nội rất lớn.
Trong đó, 2 thời điểm xe cần đăng kiểm nhiều nhất là dịp đầu năm (quý I) và giữa năm (quý III). Hiện nay, số lượng xe buýt đến hạn đăng kiểm tại 11 doanh nghiệp vận tải đang vận hành buýt trên địa bàn Hà Nội khoảng 1.000 xe.
Ghi nhận tại Trung tâm đăng kiểm 2906V - Tam Hiệp (Thanh Trì), rất nhiều doanh nghiệp vận tải buýt như: Cầu Bươu, Liên Ninh, Tân Đạt… xếp hàng chờ vào đăng kiểm. Trong khi có hơn 40 nghìn ô tô con tại Hà Nội đang gặp khó khi đăng kiểm thì với xe buýt và xe chở khách, việc này còn khó khăn hơn nhiều vì xe không thể vào nội thành (phố cấm) để xếp hàng.
Cần giải pháp nào để hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường? |
Ông Nguyễn Văn Nguyên ở Phú Thọ (Hà Nội) - lái xe buýt cho biết, cả dàn xe của dông ty đã xếp hàng từ 3 hôm trước; ăn, ngủ, nghỉ trên xe rất mệt mỏi. Hầu hết anh em lái xe mong muốn cơ quan chức năng có giải pháp xử lý triệt để tình trạng đình trệ đăng kiểm vì ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội cho biết, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, doanh nghiệp mới được chạy 100% công suất, tuy nhiên đến cuối năm 2022 lại gặp phải vấn đề đăng kiểm khó khăn. Trước việc đăng kiểm tại Hà Nội khó khăn và để không ảnh hưởng đến hoạt động chở khách trong tháng 3, nhiều đơn vị đã bố trí nhân lực đưa xe về các tỉnh như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang… để đăng kiểm.
Tuy đến các địa phương này, xe được làm thủ tục đăng kiểm, nhưng do đi xa nên mỗi lần đi một tổ nhân sự làm công tác này mất rất nhiều thời gian và chi phí (gồm tiền ăn - nghỉ, phí lưu xe đêm, xăng dầu, cầu đường…).
Giải pháp chấm dứt quá tải đăng kiểm
Theo nhận định chung của các chuyên gia, hoạt động đăng kiểm xe ô tô ở Việt Nam tồn tại nhiều bất cập. Trước tình trạng, thời gian gần đây, với việc hàng loạt trạm đăng kiểm bị đóng cửa, nhiều người phải đi hàng trăm kilomet để đăng kiểm xe. Có những tài xế phải xếp hàng cùng ô tô vài ngày mới đưa được xe vào trạm đăng kiểm.
Bên cạnh đó, từ kết quả điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra cho thấy đã nhiều năm nay việc kiểm định chất lượng xe cơ giới mang nặng tính hình thức, nhiều xe không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được cấp phép hoạt động.
Cục Đăng kiểm Việt Nam đang khẩn trương sửa đổi Thông tư số 16, bổ sung quy định cho phép miễn kiểm tra kỹ thuật khi đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu chưa qua sử dụng; nghiên cứu phương án kéo dài chu kỳ đăng kiểm với các phương tiện mới sử dụng, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 3/2023. Để giải quyết căn cơ việc thiếu hụt nhân sự, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang nhanh chóng, khẩn trương triển khai các kỳ thi sát hạch đăng kiểm viên để sớm có nhân lực phân công về các đơn vị đăng kiểm nhận nhiệm vụ. |
Theo các chuyên gia, trước tình trạng này, các cơ quan chức năng cần phải sớm đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng ùn ứ phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm; Về lâu dài cần phải tìm được nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng này để từ đó đưa ra giải pháp.
Bên cạnh việc tim hiểu nguyên nhân, một trong những biện pháp giảm tải cho các trung tâm đăng kiểm được các chuyên gia đưa ra là miễn đăng kiểm lần đầu với xe mới. Theo đó, miễn đăng kiểm lần đầu sẽ tiết kiệm được một số tiền không nhỏ, giảm thiểu áp lực cho các trung tâm đăng kiểm hiện nay.
Đối với ô tô mới chưa sử dụng khi bán ra không cần thực hiện các quy trình đăng kiểm như: kiểm tra phanh, hệ thống lái, khí thải là phù hợp bởi khi xuất xưởng, nhà sản xuất đã tiến hành quy trình thử nghiệm và kiểm tra các hạng mục trên, được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận xuất xưởng, đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để đủ điều kiện bán ra thị trường, tham gia giao thông. Việc bỏ qua các quy trình đăng kiểm lần đầu, kiểm tra các hạng mục trên là hợp lý, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân để phục vụ những công việc khác, làm giàu cho đất nước.
Trước tình hình bất cập của công tác đăng kiểm trong thời gian qua, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp và đời sống bình thường của người dân, vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an để xử lý ngay tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các trung tâm đăng kiểm.
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải trước mắt cần khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất đối với những vấn đề vượt thẩm quyền để cho phép các trung tâm bảo trì, bảo dưỡng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu ô tô đủ điều kiện được tham gia thực hiện kiểm định xe; thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng.
Bên cạnh đó, tập trung huy động, điều phối nhân lực đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ ở các địa phương khác "chi viện" cho các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, TP.HCM kết hợp tăng ca, kíp để đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân; Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng huy động các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện thực hiện hoạt động đăng kiểm của hai Bộ tham gia hỗ trợ.
Vừa qua, đã có 30 cán bộ cảnh sát giao thông bắt đầu làm nhiệm vụ tại các Trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội và TP.HCM. Về phía Bộ Quốc phòng cũng đang chuẩn bị nhân sự để chi viện cho ngành giao thông vận tải.
Cùng với việc tăng cường nhân lực, một số trung tâm đăng kiểm trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM được hoạt động trở lại. Đồng thời, các Trung tâm đăng kiểm cũng áp dụng việc phát phiếu hẹn người dân ngày quay lại đăng kiểm tránh cảnh xếp hàng 2 - 3 ngày chờ đến lượt kiểm định xe.