Toàn cảnh hội nghị |
Hạn hán xảy ra liên tục trong 40 năm qua
Chủ đề của Hội nghị toàn thể Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) 2016 diễn ra mới đây là “Hợp tác quốc tế vì tăng trưởng nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và thời tiết cực đoan”. Mục tiêu chung của hội nghị nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực từ cộng đồng quốc tế hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp bền vững trong bối cảnh BĐKH và thời tiết cực đoan.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, BĐKH. Theo thống kê, Việt Nam hứng chịu hơn 19 loại hình thiên tai. Trong 30 năm qua, thiên tai xảy ra ngày càng thường xuyên và cường độ cao hơn, đặc biệt là mưa lũ, hạn hán, xâm nhập mặn… Trong 50 năm gần đây có đến 40 năm hạn hán xảy ra ở mức độ khác nhau và ở hầu hết các vùng ở Việt Nam”.
Do ảnh hưởng của El Nino, từ cuối năm 2014 đến giữa năm 2016, ba khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chịu thiệt hại nặng nề do hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn kỷ lục. El Nino dài nhất trong lịch sử gây xâm mặn đã đe dọa 52% diện tích tự nhiên ở ĐBSCL; làm ảnh hưởng tới 405.000ha lúa và hoa màu, 28.500ha cây ăn trái, 82.000ha nuôi tôm, 390.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt. Tổng thiệt hại là 7.900 tỷ đồng (tương đương 360 triệu USD). Còn tại Trung bộ, có 40.000ha lúa phải dừng sản xuất, 73.000 hộ thiếu nước sinh hoạt liên tục trong hai năm 2015 và 2016. Tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ cũng có tổng cộng 240.000ha cây trồng bị hạn và 115.000 hộ thiếu nước sinh hoạt…
Bộ Trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Việt Nam là đất nước mà nền kinh tế nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng. Nông nghiệp nước ta từ chỗ độc canh chủ yếu là cây lúa, một năm nhập 2 triệu tấn lương thực, thực phẩm, chúng ta đã vươn lên thành một nước xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu với 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, kim ngạch hơn 30 tỷ USD. Tuy nhiên lĩnh vực nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất, mang tính lâu dài đó chính là tác động của BĐKH”.
Huy động nguồn lực từ cộng đồng quốc tế
“Hạn hán kéo dài ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy chúng ta cần có những chính sách tốt hơn, cần quan tâm hơn nữa tới việc ứng phó với BĐKH. Để giúp giải quyết tốt hơn thảm họa thiên tai, thích ứng tốt với BĐKH, phát triển nông nghiệp bền vững, chúng ta cần có những chính sách cụ thể, hiệu quả. Thiết kế các chương trình để quản lý rủi ro dựa vào cộng đồng, chúng tôi mong có những hành động cụ thể cho những cộng đồng dân cư nơi dễ tổn thương nhất, để họ thích ứng tốt với BĐKH” - bà Louise Chamberlain – quyền Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, công tác ứng phó với thiên tai đã được sự hỗ trợ tích cực từ cộng đồng quốc tế, tính đến tháng 11/2016 đã huy động được 26,4 triệu USD, đáp ứng 54,4% trong kế hoạch ứng phó khẩn cấp hồi tháng 4/2016, trong đó nguồn lực quốc tế huy động được là 18,4 triệu USD. Ước tính của Chính phủ cho nhu cầu phục hồi của 18 tỉnh bị ảnh hưởng nặng bởi hạn hán, xâm nhập mặn là 1,046 tỷ USD, trong đó năm 2017 là 365 triệu USD, giai đoạn 2018-2020 là 681 triệu USD.
Chia sẻ về việc hỗ trợ Việt Nam ứng phó với BĐKH, ông Christian Berger - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam cho hay: “Chúng tôi hỗ trợ Việt Nam theo hướng phục hồi ven biển ĐBSCL trước tác động của BĐKH. Khu vực này ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi BĐKH và thời tiết cực đoan, chúng tôi đang giới thiệu và triển khai rừng ngập mặn ven biển, việc tiếp cận các giải pháp dựa trên hệ sinh thái là rất cần thiết và cần bổ sung. Chúng tôi đã hỗ trợ nông dân Việt Nam thích ứng BĐKH trong nhiều năm qua. Chính phủ Đức sẵn sàng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam ứng phó với BĐKH, thời tiết cực đoan. Việc chuyển đổi vùng ĐBSCL thành một hệ sinh thái ổn định với một nền nông nghiệp phát triển bền vững cần khoảng 10 tỷ Eur trong 10 năm tiếp theo. Bộ NN&PTNT có vai trò chính trong các sáng kiến hoặc các cơ chế phối hợp liên kết thích ứng khí hậu của vùng ĐBSCL”.
Để đối phó với tác động của thời tiết cực đoan, ông Nguyễn Văn Tỉnh mong muốn cộng đồng quốc tế hỗ trợ đánh giá tổng thể tác động của BĐKH, thời tiết cực đoan đến kinh tế xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Hỗ trợ kinh phí 1,221 tỷ USD thực hiện kế hoạch phục hồi hạn, mặn 2017-2020. Hỗ trợ công nghệ, nâng cao năng lực dự báo thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn và lũ lụt; hỗ trợ thực hiện các chương trình trồng và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn; hỗ trợ đề án phát triển rừng ven biển ứng phó BĐKH giai đoạn 2014-2020.