CôngThương - Qua các động thái của WWF, nhiều người tự hỏi “phải chăng việc đưa cá tra vào danh sách đỏ là đòn phủ đầu của WWF, trước khi buộc chúng ta chấp nhận ASC?!- là tiêu chuẩn do WWF và IDH (Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan) thành lập năm 2009”.
“Mê hồn trận” lại có thêm ASC
Khi hỏi về tiêu chuẩn ASC, các hộ nuôi cá tra ở Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… đều lắc đầu trả lời “chưa nghe nói lần nào”. Gần đây, nhiều hộ áp dụng nuôi cá tra theo tiêu chuẩn Global GAP và SQF đã đáp ứng nhu cầu hầu hết các thị trường trên thế giới, dù khó tính nhất. Nay WWF đưa ra tiêu chuẩn ASC hoàn toàn xa lạ, ngay cả dân nuôi cá kỳ cựu cũng chưa hề nghe qua.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa- nông dân nuôi cá tra ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang)- ngao ngán nói: “Điểm qua các tiêu chuẩn nuôi cá tra quốc tế thấy giống như "mê hồn trận". Trước đây nhiều địa phương như An Giang, Đồng Tháp… đã khuyến cáo và tập huấn cho hàng ngàn hộ nông dân về tiêu chuẩn SQF và tại Tiền Giang cũng đã thực hiện Chứng nhận vùng nuôi cá đạt tiêu chuẩn SQF 1000 CM vào năm 2009 cho diện tích khoảng 25 hecta và dự kiến nhân rộng mô hình này. Năm 2010, tôi lại nghe ngành nông nghiệp đang khuyến cáo sử dụng chứng chỉ GLOBAL GAP vì đã được phổ biến lâu nay ở châu Âu, và chính ngành nông nghiệp cũng đang khuyến cáo sử dụng GLOBAL GAP, thế mà nay lại có tiêu chuẩn ASC gì đó?”.
Ông Nguyễn Tử Cương- Ủy viên thường trực Hiệp hội Nghề cá Việt Nam (Vinafish)- cho rằng, hiện nông dân, doanh nghiệp nuôi cá tra Việt Nam đang bị bội thực các loại chứng chỉ mà nhiều khi chính chúng ta cũng không rõ là của cơ quan, tổ chức nào. Theo ông Cương, các chứng chỉ như SGS, ASC, SQF… không hề có tính pháp lý đối với người tiêu dùng trên thế giới, mà đó thực ra chỉ là những tài liệu hướng dẫn một số tổ chức kinh doanh thực phẩm nào đó. Tuy nhiên, do không nắm rõ thông tin nên nhiều khi chúng ta lại lầm tưởng là những tiêu chuẩn bắt buộc về sản phẩm của thế giới.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhiều hộ nuôi cá và cả doanh nghiệp xuất khẩu cũng phản bác tiêu chuẩn ASC và cho rằng không cần thiết. Hiện tại, các vùng quy hoạch phát triển cá tra nuôi theo tiêu chuẩn Global GAP và SQF đã đáp ứng được yêu cầu các nước trên thế giới nên việc giới thiệu và bắt buộc áp dụng ASC cho vùng nuôi cá tra là không cần thiết.
Chi phí oằn vai nông dân
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, thực tế nghề nuôi cá tra nói riêng và nuôi trồng thủy sản ở nước ta nói chung đã và đang tuân thủ theo quy định vùng nuôi an toàn và áp dụng nhiều tiêu chuẩn quốc tế khác như SQF, GLOBAL GAP, GAP/BMP/CoC... Các sản phẩm cá tra nuôi theo những tiêu chuẩn đó, nhiều năm qua vẫn được xuất khẩu sang trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với khối lượng và giá trị lớn. Điều đó cho thấy kể cả không áp dụng tiêu chuẩn ASC do WWF đặt ra thì sản phẩm cá tra nuôi của nước ta vẫn đáp ứng được các yêu cầu về đảm bảo môi trường cũng như về vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng thế giới đón nhận.
Việc bắt buộc các doanh nghiệp phải chạy theo hàng loạt chứng chỉ của các tổ chức phi chính phủ và những tổ chức xã hội nghề nghiệp trên thế giới đang làm doanh nghiệp, người nuôi cá tra đang phải “oằn vai” gánh chịu những khoản chi phí khổng lồ.
Theo nội dung bản ghi nhớ được ký kết giữa đại diện WWF quốc tế với đại diện VASEP và Hội nghề cá Việt Nam thì lộ trình áp dụng ASC vào vùng nuôi cá tra “để đáp lại việc cá tra được đưa ra khỏi danh sách đỏ” được xác định cụ thể như sau: Trong 2 năm 2011- 2012, Việt Nam phấn đấu có 25% lượng cá tra xuất khẩu đạt bất cứ một tiêu chuẩn quốc tế về phát triển cá tra bền vững, trong đó có 10% được chứng nhận ASC. Đến năm 2014 sẽ đạt 75% lượng cá tra xuất khẩu đạt bất cứ một tiêu chuẩn quốc tế về phát triển cá tra bền vững, trong đó có 30% được chứng nhận ASC. Và đến 2015 thì 100% cá tra xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt tiêu chuẩn quốc tế về phát triển cá tra bền vững, trong đó có 50% được chứng nhận ASC.
Vì vậy, theo mức giá áp dụng để được cấp “danh hiệu” ASC cho vùng nuôi 5 hecta trong một năm hiện nay khoảng 7.500 USD (tương tự như áp dụng Global GAP), với diện tích 3.000 hecta nuôi cá tra phải đươc cấp chứng nhận ASC theo lộ trình đã ký kết vào năm 2015 (diện tích nuôi cá tra cả nước khoảng 6.000 hecta) thì số tiền mà chúng ta phải nộp cho họ hàng năm là trên 22 triệu USD. jDĩ nhiên, khoản chi phí này sẽ do nông dân và cuối cùng là người tiêu dùng phải gánh chịu.
Phải kiên định trước các yêu cầu vô lý
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, việc WWF gỡ bỏ cá tra khỏi danh sách đỏ và ký Biên bản ghi nhớ với Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam và Hội nghề cá Việt Nam về việc áp dụng tiêu chuẩn ASC của WWF là hoàn toàn có dụng ý. Bởi vì, qua các động thái của WWF quốc tế có thể thấy mục đích của việc WWF “cố tình” dựa vào các báo cáo không đầy đủ và lạc hậu về tình hình nuôi cá tra Viẹt Nam để đưa cá tra vào danh sách đỏ, là nhằm tạo ra áp lực để ép cá tra Việt Nam áp dụng ASC.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Tử Cương, do CoC đúng và hoàn chỉnh nhất nên những quy định ASC đều bám vào 4 tiêu chí của CoC. Bởi vậy, về bản chất không có gì khác nhau, nếu cá tra VN đã thực hiện CoC thì đương nhiên đạt được các tiêu chí của các tổ chức như WWF đặt ra.
Có nhiều ý kiến cho rằng, dù có 6 tháng để lấy ý kiến và giới thiệu tiêu chuẩn ASC cho người nuôi cá tra Việt Nam, và việc có áp dụng tiêu chuẩn ASC hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào người nuôi cá tra. Nhưng nếu “tẩy chay” ASC thì cũng khó lường được hậu quả một khi tổ chức này lại tục lạm dụng quyềnkhuyến cáo của mình, còn nếu “chấp nhận” thì các tổ chức phi chính phủ khác sẽ “bắt chước” tự đặt ra những tiêu chuẩn “vẽ vời” ép buộc người nuôi thủy sản phải áp dụng.
“Chúng ta cần kiên định, không thể cứ mãi chạy theo những khuyến cáo vô lý như kiểu WWF, đó là những động thái chỉ nhằm mục đích “hạ gục” con cá tra của chúng ta”- ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, kiên quyết nói.