Cần nhiều biện pháp giúp doanh nhân nữ tháo gỡ "rào cản"
Tin hoạt động 11/04/2017 18:42
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn |
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, doanh nhân nữ luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển xã hội và kinh tế đất nước. Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã đóng góp to lớn trong việc tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Tuy nhiên, nhiều khó khăn và rào cản khiến doanh nghiệp nữ Việt Nam chưa tiếp cận thành công thị trường thế giới.
Đánh giá về vị thế nữ doanh nhân tại Việt Nam, bà Mia Urbano - Chuyên gia phát triển xã hội và Giới - cho biết, ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ có những khoản tiết kiệm tại các tổ chức tài chính trong những năm qua tương đối thấp, chỉ 13,7%; trong khi con số này ở Mỹ là 59,3%. 36% phụ nữ có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Việt Nam, có thể đứng chung với chồng hoặc đứng độc lập. Doanh nghiệp nữ ở Việt Nam vẫn thiếu thực tiễn, thiếu khả năng đưa ra quyết định, đặc biệt trong các quy định của các bộ, ngành, cơ quan Chính phủ.
Bà Ngô Hồng Diệp - Phó giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, Sáng kiến kinh doanh Mekong - đưa ra một loạt phân tích về những khó khăn của doanh nghiệp nữ. "Năm 2016, khi Chính phủ đưa ra Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng tôi đã kiến nghị cần có định nghĩa “doanh nghiệp do nữ làm chủ”. Trước kia đã có đề cập tới cụm từ này trong một số văn bản pháp lý, tuy nhiên chưa có định nghĩa cụ thể nên chính sách hỗ trợ chưa hiệu quả” - bà Diệp cho hay.
Để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, bà Diệp cho rằng, cần có những biện pháp tháo gỡ những rào cản trên. Các chương trình nên quy định 25% doanh nghiệp nữ được hưởng lợi từ các chương trình, chính sách hỗ trợ.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần mở cửa để phụ nữ tiếp cận. Bà Susila Devi Kumaran - nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phát triển thương mại quốc tế Malaysia - cho rằng, ở Malaysia, các thiết chế tài chính cần cạnh tranh với nhau để tiếp cận khách hàng là nữ doanh nhân. Việt Nam đã tham gia tích cực vào nền kinh tế toàn cầu. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ ngày càng gia tăng, tuy nhiên cần tập trung vào những chính sách đã hiệu quả.
Để hỗ trợ doanh nhân nữ tiếp cận thị trường nước ngoài, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi những ngăn cách về không gian kinh tế; hàng hóa, dịch vụ ngày càng thu hẹp thì bất cứ doanh nghiệp hay nhà đầu tư nào cũng đều có cơ hội và phải đối diện với cạnh tranh gay gắt trong việc tận dụng và phát huy ưu thế của hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế . Điều này đồi hỏi các doanh nghiệp, trong đó có đó doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, cần thay đổi và thích nghi để tồn tại và phát triển. “Về phía Bộ Công Thương Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi đang nỗ lực đẩy mạnh công tác đàm phán, mở cửa cho thị trường hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam và nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, trong việc phát triển kinh doanh, thâm nhập vào thị trường khu vực và thế giới” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.