Các tác phẩm biển đảo góp phần thổi bùng ngọn lửa yêu nước của giới trẻ
CôngThương - Văn học luôn là vũ khí góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Nhà văn Cao Duy Sơn bày tỏ, trong giai đoạn hiện nay, tinh thần dân tộc, tình yêu đất nước đang được thổi bùng lên mạnh mẽ. Vì thế, văn học cần phải đi theo phản ánh, thể hiện được các vấn đề liên quan đến biển đảo. Đồng thời, giới văn nghệ cần phải nói lên được tình yêu biển đảo, tình yêu Tổ quốc của mình, góp sức đồng hành cùng toàn thể nhân dân bảo vệ bằng được chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn - cho hay, nhiều nhà văn đã gọi điện đến hội bày tỏ thái độ phản đối trước sự xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc. Nhằm thực hiện cuộc đấu tranh hòa bình trên cơ sở lịch sử và luật pháp quốc tế, tất cả nhà văn đều có mong muốn nỗ lực tận cùng để hòa bình “trú ngụ vĩnh hằng”. “Yêu nước là làm sao để đất nước chúng ta phát triển vững mạnh. Dân tộc ta đã phải đi qua nhiều cuộc chiến tranh, nên lúc này, các nhà văn phải có những tác phẩm lan truyền được truyền thống yêu nước, viết về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đối với mọi người dân với thông điệp hòa bình”- nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Khuyến khích sáng tác tiểu thuyết lịch sử về biển đảo, bên cạnh thơ, bút ký, nhà nước cũng phải có những chính sách ưu tiên, tạo điều kiện hỗ trợ cho đội ngũ sáng tác, xuất bản, phổ cập các tác phẩm về biển đảo rộng rãi. |
Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1979 đã sớm nêu lên các vấn đề biển đảo trong sáng tác của mình. Nhiều tác phẩm của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Hữu Thỉnh đã thể hiện một cách thiết tha và mạnh mẽ nhất về biển đảo quê hương. Sau này, những tác phẩm về biển đảo cũng luôn xuất hiện trên các tạp chí của Hội Nhà văn. Và gần 10 năm qua, có nhiều đoàn văn nghệ sĩ đi Trường Sa, Hoàng Sa để cảm nhận cuộc sống, sự gian khổ của chiến sĩ đang bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc và đã cho ra đời các tác phẩm về biển đảo có giá trị.
Tuy nhiên, so với các đề tài trong đất liền, các tác phẩm về biển đảo còn ít, chưa để lại nhiều dấu ấn. Cho nên, không lạ khi trên thị trường sách hiện này, sách văn học về biển đảo rất hiếm. Nhiều người dân quan tâm đến căng thẳng ở Biển Đông có nhu cầu tìm mua sách biển đảo hay các tác phẩm văn học về biển đảo đều khó tìm được sách. Giải thích sự hiếm hoi các tác phẩm về biển đảo, GS. Trần Đình Sử (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, vì đây là đề tài mới trong lịch sử văn học. Vì thế, các tác phẩm văn học về biển đảo thực sự chưa đáp ứng yêu cầu về tuyên truyền, cũng như khơi dậy tình yêu biển đảo một cách rộng rãi, sâu sắc trong nhân dân.
Theo GS. Trần Đình Sử, giới văn nghệ cần thể hiện tình yêu đất nước một cách đầy đủ, rõ ràng hơn thông qua đẩy mạnh sáng tác các tác phẩm văn học liên quan đến biển đảo. Và phải làm sao để các tác phẩm biển đảo đi vào đời sống nhân dân, để nhân dân có thể đọc, tiếp nhận được các tác phẩm một cách trọn vẹn nhất. Đó là “nói cho hết các vấn đề của biển đảo, trong đó cần nêu bật sự quả cảm của chiến sĩ nơi đảo xa, cũng như quyết tâm bám biển của ngư dân. Mặc khác, các tác phẩm về biển đảo không chỉ nói cho nhân dân mình nghe mà phải nói cho cộng đồng thế giới hiểu chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”- GS. Trần Đình Sử nhấn mạnh.