Cần những giải pháp mang tính chiến lược, bền vững
Chung tay hỗ trợ
Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác ASXH vùng Tây Bắc” được tổ chức tại Yên Bái ngày 24/6/2016, ông Trương Xuân Cừ - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết, trong thời gian qua, 12 tỉnh trong vùng đã nhận được nhiều sự quan tâm hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp và một số thành phố lớn đã cam kết hỗ trợ gần 1.700 tỷ đồng. Các doanh nghiệp cũng cam kết đến năm 2020, tổng số tiền hỗ trợ cho 43/43 huyện nghèo vùng Tây Bắc là 2.114,58 tỷ đồng (chiếm 87,4% tổng số tiền doanh nghiệp cam kết hỗ trợ cho 62 huyện nghèo cả nước).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã đề xuất và quản lý thực thi nhiều chương trình hướng tới ASXH, trong đó có vùng Tây Bắc. Đơn cử như chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020, tổng mức đầu tư theo dự án được duyệt đối với các địa phương vùng Tây Bắc là 9.349 tỷ đồng; chương trình khuyến công quốc gia từ 2012 - 2016 với 203 đề án và kinh phí đạt 54,6 tỷ đồng; chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp là 48 tỷ đồng; chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với 178 đề án với kinh phí hỗ trợ hơn 39 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2012 - 2015, riêng 7 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương đã dành số kinh phí 885 tỷ đồng cho công tác ASXH vùng Tây Bắc, vượt trên 30% so với cam kết.
Những giải pháp bền vững
Dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, song theo ông Trương Xuân Cừ, Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất cả nước. Cơ sở hạ tầng còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống nhân dân thôn bản ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác ASXH vùng Tây Bắc, cùng với những nhiệm vụ trọng tâm cấp bách, cần có những giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài.
Theo đó, bên cạnh việc huy động các nguồn lực từ bên ngoài cần chủ động nguồn lực tại chỗ, hỗ trợ cho người dân bị thiên tai, dịch bệnh. Chú trọng công tác đào tạo nghề, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, tạo việc làm cho người dân. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi, chăm lo cho người có công với cách mạng. Thực hiện hiệu quả, kịp thời các dự án, chương trình, chính sách, đảm bảo đúng đối tượng được hưởng. Lồng ghép các chương trình, dự án hiệu quả tạo động lực cho họ vươn lên thoát nghèo bền vững... Bên cạnh đó, cần tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng trong toàn xã hội sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong công tác ASXH. Có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời đối với các tổ chức và cá nhân làm tốt công tác ASXH nhưng cũng cần có quy định để thực thi cam kết tốt nhất.
Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề xuất, cần xây dựng chính sách theo hướng ưu đãi riêng; ưu tiên phân bổ nguồn lực cho khu vực khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao; khuyến khích thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp.
Về nguồn vốn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cam kết sẽ chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục các chương trình tín dụng. Trong đó tập trung cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thủy điện, khai khoáng, du lịch, kinh tế cửa khẩu nhằm tạo sự lan tỏa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực. Đẩy mạnh cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.