Cử tri Đà Nẵng lo lắng về tội phạm mạng, tin giả, tin xuyên tạc, phá hoại
Sáng 27/9, tại TP. Đà Nẵng, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV |
Tại chương trình, các cử tri thành phố Đà Nẵng đã nêu nhiều vấn đề quan tâm liên quan đến nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục…
Đặc biệt, nổi lên tại Hội nghị, nhiều cử tri thành phố Đà Nẵng bày tỏ quan tâm và lo lắng tình trạng lừa đảo trên không gian mạng, vấn đề tin giả, tin phá hoại, tin xuyên tạc sự thật nhằm mục đích phá hoại ổn định, trật tự xã hội.
Cử tri Trần Minh Nhật (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) bày tỏ lo lắng khi tội phạm lừa đảo trên mạng, tội phạm có yếu tố nước ngoài (máy chủ ở nước ngoài, chủ mưu ở nước ngoài) còn diễn biến phức tạp; nhiều đối tượng lừa đảo dùng sim rác để giả danh các cơ quan nhà nước như bảo hiểm, ngân hàng…lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Cử tri Minh Nhật đề nghị Bộ Công an và các cơ quan chức năng phải vào cuộc và xử lý quyết liệt tình trạng trên.
Đồng ý kiến, cử tri Trần Nghị Dân (phường Phước Ninh, quận Hải Châu) cũng cho rằng tình hình lừa đảo trên không gian mạng hiện đang rất phức tạp, làm người dân bị thiệt hại lớn về tài sản. “Đề nghị Bộ công an vào cuộc truy tìm và xử lý ráo riết, đề nghị bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục xử lý triệt để vấn đề sim rác. Các ngân hàng cần có tuyên truyền mạnh mẽ cho người dân để tránh bị lừa đảo liên quan đến giao dịch chuyển tiền”, cử tri Trần Nghị Dân đề nghị.
Các cử tri thành phố Đà Nẵng quan tâm và lo lắng đến tình trạng lừa đảo trên không gian mạng, vấn đề tin giả, tin phá hoại, tin xuyên tạc sự thật nhằm mục đích phá hoại ổn định, trật tự xã hội |
Cử tri Phạm Xuân Thạnh (cử tri phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) thì đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương thường xuyên cung cấp thông tin chính thống, kịp thời cho Đảng viên và nhân dân; đồng thời, Chính phủ phải chỉ đạo cơ chức năng quản lý chặt chẽ về thông tin mạng, để đảm bảo cho người dân không bị lừa đảo trên không gian mạng.
Đáng chú ý, cử tri Đỗ Hồng Luân (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) kiến nghị Bộ Công an cần làm tốt hơn nữa trong phát hiện tin giả, tin sai sự thật, nhất là tin xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá thành quả cách mạng. “Trên mạng xuyên tạc ghê gớm quá. Đề nghị bộ phận phụ trách của Bộ Công an phải theo dõi và kịp thời xử lý những thông tin xuyên tạc, nói sai chính sách và chế độ thì phải xóa ngay”, cử tri Đỗ Hồng Luân ý kiến.
Chống lại thông tin xấu độc là một cuộc chiến, thách thức toàn cầu
Thông tin về những vấn đề này, Thiếu tướng Trần Đình Chung – Đại biểu Quốc hội, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cho biết, trong thời gian qua, các Bộ ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ có nhiều sửa đổi về quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước, xử lý đối tượng lừa đảo trên không gian mạng. Ban Tuyên giáo Trung ương đã thành lập các Ban chỉ đạo 35 tại Trung ương, địa phương để tập trung tuyên truyền, đấu tranh, phản bác thông tin sai lệch, độc hại….
Việt Nam cũng đã đề nghị các nền tảng thông tin xuyên biên giới phải có cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam trong việc quản lý thông tin đưa lên mạng. Một số đơn vị như Google đã có chấp hành. Tuy nhiên, đối với một số kiến nghị gỡ bỏ các bài đăng vi phạm, một số trường hợp vi phạm có máy chủ đặt ở nước ngoài, dù đã có yêu cầu những có một số nơi chưa chấp hành.
Hiện nay, các bộ phận phụ trách đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, lừa đảo trên không gian mạng như Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) và các Phòng phòng chống tội phạm công nghệ cao tại các địa phương luôn luôn theo dõi trên không gian mạng để phát hiện, tham mưu đấu tranh với những thông tin sai lệch.
“Qua vấn đề này, tôi mong muốn bà con cử tri, các đơn vị quản lý qua công tác ở các cơ sở có sự tuyên truyền phổ biến cho nhân dân, người trong gia đình và cả bản thân mình sáng suốt đọc thông tin chính thống tránh bị những thông tin xuyên tạc định hướng”, Thiếu tướng Trần Đình Chung nói và thông tin thêm, trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch đẩy mạnh công tác tuyên truyền chống phá, bôi xấu lãnh tụ Đảng, Nhà nước, với sự nỗ lực đấu tranh của các cơ quan liên quan đã phát hiện và sẽ đưa ra xét xử nhiều vụ vi phạm trong thời gian tới.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết chống tin giả, tin xấu, độc là cuộc chiến của mọi quốc gia đối với các thế lực lợi dụng không gian mạng để chống phá |
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – ông Nguyễn Văn Quảng, tin giả, tin xấu độc hiện không chỉ là vấn đề thách thức đối với riêng Việt Nam, mà khi bùng nổ thông tin, nhất là thông tin trên mạng thì đây là thách thức của toàn cầu. “Đây thực sự là cuộc chiến của các nước đối với các thế lực lợi dụng không gian mạng để chống phá. Ở Việt Nam còn gặp khó khăn nữa đó là các máy chủ truyền tải các thông tin xấu độc cơ bản đều nằm ở nước ngoài, nên việc kiểm soát, bóc gỡ, xóa bỏ rất nhiều khó khăn”, ông Quảng thông tin và cho biết thêm: “Chúng ta đã phải có những biện pháp với những nền tảng xuyên quốc gia lớn trên thế giới để kiểm soát. Về cơ bản những thông tin xấu độc xuất phát trong nội địa thì đều bị phát hiện, bóc gỡ và xử lý kịp thời”.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng nhấn mạnh đến vai trò và tính kịp thời của các thông tin chính thống trong cuộc chiến chống tin giả, tin xấu độc. “Những thông tin chính thống cần được chuyển tải thật nhanh và đầy đủ đến cho các cử tri. Đây cũng là một trong những biện pháp để “phủ xanh” thông tin, chống lại các thông tin xấu độc trên không gian mạng”, ông Nguyễn Văn Quảng nói.