Cần sớm có chính sách đẩy nhanh tiêu thụ xăng sinh học
- Trong số 3 nhà máy sản xuất Ethanol của PetroVietnam tại Bình Phước, Phú Thọ và Dung Quất-Quảng Ngãi với tổng công suất 300.000 m3/năm, hiện dự án sản xuất Ethanol tại Dung Quất đã cho ra sản phẩm, còn lại 1 nhà máy đang chạy thử và 1 nhà máy đang trong quá trình thi công. Tới đây, nếu 3 nhà máy cùng vận hành thì nước ta sẽ có 300 ngàn m3 cồn sinh học mỗi năm.
Tuy nhiên, hiện lượng xăng Ethanol tiêu thụ trong nước mới chỉ đạt khoảng 30% tổng sản lượng sản xuất ra, do người tiêu dùng chưa quen dùng xăng sinh học, còn lại không có thị trường. Đó là do nước ta chưa có cơ chế chính sách buộc sử dụng nhiên liệu sinh học Ethanol thay thế một phần nhiên liệu như nhiều nước trên thế giới.
Ông Phùng Đình Thực- Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam- cho biết, Việt Nam sẽ giảm được ngoại tệ nhập khẩu 300.000 m3 dầu/năm nếu sử dụng hết công suất 3 nhà máy sản xuất Ethanol này. Hơn nữa, sử dụng xăng sinh học sẽ góp phần giảm khí thải, bảo vệ được môi trường sống, đồng thời tăng thêm thu nhập cho người nông dân trồng sắn nguyên liệu. Vì thế cần có chính sách đẩy nhanh tiêu thụ nhiên liệu sinh học.
Các nước trên thế giới đều có chính sách ưu tiên rõ ràng cho phát triển sản xuất, sử dụng nhiên liệu sinh học như hỗ trợ vốn, phát triển vùng cây nguyên liệu cũng như mạng lưới phân phối… Trong khi đó, Việt Nam là nước có nhiều thuận lợi trong việc phát triển nhiên liệu sinh học, với nguồn nguyên liệu sẵn có là sắn, nhưng những cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển và sử dụng nhiên liệu sinh học thì vẫn còn quá ít.
Theo các chuyên gia kinh tế, để việc sử dụng xăng sinh học trở thành phổ biến với người tiêu dùng, Chính phủ cần sớm ban hành lộ trình bắt buộc sử dụng Ethanol (xăng E5) trong toàn quốc, cũng như ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu sinh học…
Lê Kim Liên