CôngThương - Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ đào tạo nghề, kết hợp với tham quan học tập kinh nghiệm các làng nghề truyền thống nơi khác. Cụ thể, Hợp tác xã làng nghề Phú Tân, huyện Châu Thành được Trung tâm Khuyến công hỗ trợ máy chẻ trúc, máy vót nan, máy ép bọc hút chân không; trung tâm còn phối hợp triển khai Đề án “Phát triển cơ khí” cho cơ sở cửa sắt Thanh Nhàn, ở ấp Châu Thành, xã An Ninh, huyện Châu Thành trên cơ sở cải tiến, đầu tư trang thiết bị sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm cho người lao động; góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng tỷ trọng công nghiệp nông thôn. Khi được triển khai thực hiện, đề án tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, đồng thời góp phần tăng thu nhập cho lực lượng tại chỗ. Bên cạnh đó, đề án còn phục vụ cho yêu cầu phát triển của địa phương trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa công nghiệp nông thôn. Vì vậy, tuy không phải là ngành nghề thế mạnh, nhưng hàng năm giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Sóc Trăng luôn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các ngành nghề thủ công của Sóc Trăng còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn lao động trình độ thấp, chưa qua đào tạo nghề. Sản phẩm chất lượng chưa cao do tay nghề còn hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu. Không những thế, do mẫu mã hàng hóa kém đa dạng nên khả năng cạnh tranh cũng bị hạn chế. Mặt khác, thị trường tiêu thụ không ổn định nên việc phát triển ngành nghề luôn gặp khó khăn. Người dân địa phương chủ yếu là tận dụng nguyên liệu tại chỗ như tre, trúc để đan cần xé, mây bồ phục vụ cho nghề nông. Sản phẩm chủ yếu đan theo mẫu mã truyền thống lạc hậu, thiếu sự tìm tòi cải tiến, chưa có những sản phẩm tinh xảo để bán cho khách du lịch. Đặc biệt, việc sản xuất vẫn theo đơn vị kinh tế hộ, đơn lẻ, manh mún nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Việc phát triển ngành nghề truyền thống còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, chủ yếu làm tại nhà với các nguyên liệu tại chỗ, ít chú ý đến hình thức, chủ yếu tận dụng lao động nông nhàn, làm ăn riêng lẻ, thiếu liên kết. Nhiều nơi tổ chức dạy nghề đan lục bình cho bà con nhưng số người học nghề quá ít, cho nên không thể hợp đồng gia công đan hàng xuất khẩu được. Đặc biệt, việc tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm rất khó khăn do các hợp tác xã chưa xây dựng được thương hiệu, mẫu mã còn đơn điệu, quy mô hợp tác xã còn nhỏ, thiếu vốn đầu tư đổi mới công nghệ. Hơn nữa, bà con quen đan lát các mặt hàng tre, trúc, cho nên khi đổi sang các mặt hàng khác thao tác chưa quen, làm chậm, thu nhập thấp.
Trong xu thế hội nhập, tiểu thủ công nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Để tiểu thủ công nghiệp ngày càng phát triển, Nhà nước cần có chính sách tín dụng phù hợp cho người phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp quy mô hộ gia đình, quan tâm dạy nghề cho đội ngũ lao động trẻ nắm bắt kỹ thuật sản xuất truyền thống. Nhà nước cũng cần tác động trong việc quy tụ, gắn kết các cơ sở sản xuất, hộ gia đình, nghệ nhân với nhau dưới hình thức các xóm nghề, làng nghề, hiệp hội. Đồng thời có sự hỗ trợ tích cực trong việc thiết kế mẫu mã sản phẩm, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm phát triển ngành nghề truyền thống để tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, là bước đệm để đào tạo công nhân cho các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Việc quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống cần lồng ghép với các chính sách và giải pháp phát triển đời sống văn hóa cơ sở, xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt, cần coi trọng nâng cao chất lượng giá trị cho sản phẩm thủ công truyền thống cũng như các chính sách ưu đãi nghệ nhân, mở các lớp đào tạo nghề truyền thống, mở điểm trưng bày các sản phẩm truyền thống, kết hợp với hoạt động quảng bá sản phẩm của các làng nghề trên địa bàn.