CôngThương - Trong báo cáo gửi Chính phủ vào cuối tháng 6/2012, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đánh giá: thanh khoản hệ thống ngân hàng cải thiện, mặt bằng lãi suất giảm dần, tỷ giá ổn định trong suốt thời gian dài giúp dự trữ ngoại hối cải thiện rõ rệt (tăng 30% so với đầu năm); cán cân thanh toán quốc tế dự báo thặng dư khoảng 7,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2012. Dẫn chứng số liệu tăng trưởng tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 12/6 đã tăng 0,17% so với đầu năm, cải thiện đáng kể so với mức -0,28% tính đến ngày 31/5, cơ quan này cho rằng chính sách tiền tệ thời gian qua đã góp phần giảm bớt rủi ro kỳ hạn của hệ thống ngân hàng. Đường cong lãi suất đã bắt đầu trở lại ở nhiều ngân hàng, đây là tín hiệu tích cực khi mà trong suốt vài năm qua, đường cong lãi suất của hệ thống đã trở thành đường thẳng và thậm chí là dốc xuống khi các lãi suất các kỳ hạn ngắn luôn cao hơn lãi suất các kỳ hạn dài.
Tuy nhiên, nguồn tài chính hỗ trợ cho tổng cầu vẫn còn khá khiêm tốn, khiến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế mặc dù đã cải thiện nhưng vẫn còn yếu, biểu hiện ở tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng gần đây tuy đã tăng nhẹ nhưng tính chung 6 tháng đầu năm ước chỉ tăng 0,4% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Về tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính trong thời gian tới, Ủy ban Giám sát đã nhận định lạm phát cả năm dự báo sẽ khó vượt mức 6%, GDP tăng khoảng 5,3-5,6% và tín dụng dự báo tăng khoảng 8%. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn thấp, nợ xấu ngân hàng và nợ đọng trong nền kinh tế khá cao nên tín dụng từ nay đến cuối năm khó có thể tăng mạnh. Vì thế nếu tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 8% thì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tổng đầu tư toàn xã hội đạt 33,5% GDP. Ủy ban Giám sát Tài đã kiến nghị cần áp dụng các giải pháp thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt nhằm tăng tổng cầu của nền kinh tếđảm bảo đạt tổng đầu tư toàn xã hội theo kế hoạch 33,5% GDP. Chênh lệch lãi suất giữa VND và USD đã giảm khá nhiều, nếu giảm nhiều hơn nữa sẽ gây ảnh hưởng đến sự ổn định của tỷ giá. Do đó, theo quan điểm của Uỷ ban thì NHNN cần thận trọng trong việc áp dụng công cụ lãi suất theo sát diễn biến CPI và tỷ giá và hơn lúc nào hết chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải được phối hợp trong việc tính toán định lượng tổng cầu của nền kinh tế.
Với mức tăng trưởng tín dụng năm nay dự báo chỉ khoảng 8% thì nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn cho nền kinh tế năm 2012 ước giảm khoảng 80 nghìn tỷ đồng, tương đương mức giảm khoảng 0,6 điểm % tăng trưởng GDP. Đối chiếu với số liệu lịch sử cho thấy, mỗi khi lượng vốn trên 90 nghìn tỷ đồng/tháng được đưa vào nền kinh tế thì mức lạm phát 6 tháng sau đó đều trên 2%/tháng. Do đó, để ổn định kinh tế vĩ mô trung và dài hạn thì cần đảm bảo nguyên tắc: lượng vốn đầu tư được đưa vào nền kinh tế trong các tháng còn lại của năm nên trong khoảng 80-85 nghìn tỷ đồng/tháng, khả năng tăng vốn tín dụng và giải ngân vốn ngân sách cần được phối hợp hài hòa đảm bảo mục tiêu chung.