Cần thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội thảo |
Hiệu quả cao
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, xác định được tầm quan trọng của chuỗi cung ứng, Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công Thương xây dựng cơ chế chính sách cũng như các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng bền vững.
Theo đó, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng một số Đề án, Chương trình đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tổ chức chuỗi ung ứng hàng hóa như Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”; Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đến các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020”…
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tại Việt Nam, sau 30 năm đổi mới, mở cửa nền kinh tế, nhiều chuỗi cung ứng nội địa cũng như toàn cầu đã được thành lập và ngày càng phát triển, cung ứng các sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là các chuỗi cung ứng 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện thoại và linh kiện, hàng dệt may, máy vi tính, giày dép… và các dịch vụ bán lẻ nội địa hiện đại tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử…
Hội thảo thu hút rất đông đại biểu |
Xây dựng các chuỗi cung ứng đã chứng minh mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp do giúp khép kín chuỗi sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh… Bà Lê Thị Mai Linh - Phó Chủ tịch điều hành, phụ trách quan hệ công chúng và trách nhiệm xã hội - Tập đoàn Central Group Việt Nam cho biết: “Big C Việt Nam được xây dựng trên cam kết và hành động cụ thể trong việc duy trì mối quan hệ mật thiết với các nhà cung ứng và sản xuất nội địa, nông dân Việt Nam, khách hàng, nhân viên cũng như chính quyền địa phương và cộng đồng. Đây là yếu tố quan trọng cho phát triển bền vững trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, giúp tất cả các bên trong chuỗi cung ứng cùng có lợi ích lâu dài”.
Theo đó, Big C Việt Nam đã triển khai hàng loạt các giải pháp để xây dựng chuỗi cung ứng như chính sách thu mua của hệ thống siêu thị luôn ưu tiên cho hàng trong nước. Từ tháng 10/2016, Big C đã phát động chương trình “Đồng hành cùng thương hiệu Việt” nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chuyển mình, bứt phá, mở rộng thị trường thông qua kênh bán lẻ hiện đại… Big C cũng ký biên bản ghi nhớ hợp tác cung ứng hàng hóa với các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh duyên hải miền Trung theo hướng Big C hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua việc cung cấp các yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm giúp doanh nghiệp dễ dàng vào thị trường.
Thêm hỗ trợ cho việc xây dựng chuỗi
Các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chuỗi cung ứng |
Xây dựng chuỗi cung ứng mang lại hiệu quả lớn, nhưng để xây dựng thành công cũng không đơn giản. Ông Hoàng Vệ Dũng – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: “Cái khó nhất hiện nay là hàng hóa có chất lượng không, giá có tốt hay không? Thực ra hiện nay chuỗi phải đi tìm hàng hóa”.
Ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT – Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn (UCA) cho biết thêm, với trên 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, sẽ thật khó khi tham gia thị trường trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng. Thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu trình độ quản lý, thiếu sự liên kết là khó khăn trong việc xây dựng chuỗi. Chưa kể, các cơ chế chính sách cho tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn chung chung, chưa đi vào thực tiễn chính là rào cản cho doanh nghiệp khi tham gia chuỗi cung ứng và hội nhập kinh tế thế giới.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo |
Do đó, theo ông Tuấn, để giải quyết được những điểm này cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ việc xây dựng chính sách dễ áp dụng vào cuộc sống đến việc giảm tối đa các thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chuỗi. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế tín dụng hoặc quỹ bảo lãnh tín dụng để giúp các đơn vị tham gia chuỗi có điều kiện tiếp cận và chủ động nguồn vốn trong việc triển khai các khâu, các bước của chuỗi liên kết. Doanh nghiệp cũng cần chung tay xây dựng các chuỗi cung ứng.
Ông Phạm Thanh Hùng – Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết thêm, bên cạnh cơ chế vốn, riêng với phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, cần thêm các hỗ trợ mạnh hơn về công tác truyền thông để quảng bá sản phẩm theo đúng chuẩn, tránh việc giới thiệu chung chung, không minh bạch với người tiêu dùng.