Hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng tại vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thiệt hại nặng nề
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích chiếm 12% tổng diện tích tự nhiên của cả nước, bao gồm 13 tỉnh và thành phố với dân số trên 17 triệu người, hàng năm ĐBSCL đóng góp 27% GDP, 50% tổng lượng lúa…. Tuy nhiên, khu vực này đang phải đối mặt với các thách thức lớn liên quan đến vấn đề nguồn nước, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển và những thách thức của BĐKH. ĐBSCL nằm trong nhóm 5 châu thổ có khả năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trên thế giới do BĐKH. Dự báo, trong kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nếu nước biển dân 1m thì khoảng 39% diện tích ĐBSCL có nguy cơ bị ngập, gần 35% dân số thuộc các tỉnh vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng. Khi nước biển dâng 1m sẽ đe dọa 930.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của vùng. Theo từng giai đoạn, năng suất lúa dự báo giảm 8- 15% vào năm 2030; 9- 30% vào năm 2050. BĐKH sẽ làm tăng rủi ro cho lâm nghiệp như tăng tính dễ bị tổn thương 6- 40% vào năm 2020; 16- 52% vào năm 2050 và 51- 85% vào năm 2100, đe dọa thiếu nguồn nước sinh hoạt, sức khỏe và sản xuất do xâm mặn… ảnh hưởng đến nuôi trồng và đánh bắt các loại thủy, hải sản…
Hiện nay, tại ĐBSCL nhiều dự án hỗ trợ ứng phó với BĐKH đang được thực hiện như: Nông nghiệp thích ứng với BĐKH với ngân sách 1 triệu USD do FAO/EC viện trợ không hoàn lại; Hỗ trợ kỹ thuật thích ứng với BĐKH để phát triển nông nghiệp bền vững vùng đồng bằng sông cửu Long do JICA viện trợ không hoàn lại với tổng số tiền 3,5 triệu USD; Chương trình Un-REDD Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật 30 triệu USD; Phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản vay vốn WB 100 triệu USD; Dự án quản lý và giảm nhẹ lũ lụt và hạn hán tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng…
Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao nhận thức về BĐKH cần chú trọng các hoạt động nghiên cứu, cảnh báo sớm, can thiệp thí điểm nhằm nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH của các địa phương, cộng đồng người dân sinh sống tại những địa bàn nguy cơ cao về thiên tai. Đặc biệt cần có sự cam kết rõ ràng giữa các bên trong việc đưa ra những giải pháp mang tính đồng bộ, song song đó cần có các cơ chế, chính sách về tài chính trong xây dựng thể chế, cũng như đề xuất các giải pháp lâu dài về quản lý nguồn nước, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và hệ sinh thái….
Ưu tiên phát triển rừng ngập mặn
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Chương trình bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và rừng ngập mặn ĐBSCL thích ứng BĐKH, các giải pháp tạo vành đai rừng ngập mặn thì cần tập trung đầu tư đúng mức bởi vì có những vùng xói lở nhiều thì yêu cầu phải cao hơn về định mức cũng như nguồn lực. Song song đó cần huy động sự tham gia của cộng đồng trong phục hồi rừng ngập mặn đồng thời có cơ chế hỗ trợ chia sẻ lợi ích khi người dân tham gia
Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh: Mỗi ngành lĩnh vực cần có trách nhiệm chung trong công tác ứng phó BĐKH. Việc thực hiện tốt công tác ứng phó BĐKH vừa là thách thức nhưng cũng tạo nên những cơ hội để giúp các địa phương phát triển bền vững. Bởi lẽ, khi công tác điều phối được triển khai đồng bộ từ cấp chính quyền đến cộng đồng dân cư sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro, hiểm họa cho người dân và cộng đồng, đồng thời thuận lợi hơn trong thu hút các nguồn lực từ bên ngoài gián tiếp góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp và các yếu tố bất thường của BĐKH việc nhận dạng và chủ động ứng phó tác động của BĐKH là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, xây dựng nhiều kịch bản và lựa chọn kịch bản cho phù hợp về ứng phó BĐKH, đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức để tất cả cùng chung tay thực hiện một cách đồng bộ và khẩn trương
Trong năm 2015, Bộ NN & PTNT tiếp tục nghiên cứu, hoàn thành các dự án Quy hoạch lũ vùng ĐBSCL, rà soát quy hoạch đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu… Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách, vận động tài trợ của các tổ chức quốc tế để thực hiện củng cố nâng cấp hệ thống đê biển và gây bồi tạo bãi, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển các tỉnh ĐBSCL, trước mắt ưu tiên các khu vực biển xung yếu và khu vực bờ biển bị xói lở mạnh.